Thuế rượu, bia, thuốc lá và mục tiêu kép

26/09/2024, 11:05

TCDN - Để giảm gánh nặng bệnh tật do các sản phẩm có hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường gây ra, đồng thời giúp tăng ngân sách nhà nước, các chuyên gia y tế khẳng định, thuế là biện pháp quan trọng nhất, giúp chúng ta đạt được mục tiêu kép.

Xu hướng tiêu thụ rượu, bia thuốc lá tăng nhanh là một trong những yếu tố nguy cơ làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm tại nước ta. Theo các nghiên cứu, thuốc lá gây ra 90% trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% và là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh mạch vành và đột quỵ. Sử dụng rượu bia gây ra 46.000 ca tử vong mỗi năm. Ngoài ra, tiêu thụ đồ uống có đường có thể liên quan đến 9,3% tỷ lệ mắc bệnh tim mạch được chẩn đoán. Người tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn 1,36 lần.

Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục tăng thuế để tăng giá bán lẻ rượu, bia, hạn chế tiếp cận mặt hàng này.

Tăng thuế để đạt mục tiêu kép

Tại Hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường vì lợi ích sức khỏe cộng đồng do Bộ Y tế vừa tổ chức, bà Đinh Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, thuế TTĐB là loại thuế được Nhà nước đưa ra nhằm đánh vào các mặt hàng xa xỉ, có hại cho sức khỏe để giảm tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức thu thuế đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe thấp nhất.

Tong-hop-cac-muc-phat-VPHC-lien-quan-den-ruou-bia-thuoc-la-tu-15-11-2020

Trên quan điểm bảo vệ sức khỏe và chăm sóc nhân dân, đồng thời bám sát các nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đề nghị nghiên cứu tăng thuế các mặt hàng thuốc lá, rượu bia để giảm tác hại tới sức khỏe người dân. Do đó, Bộ Y tế đồng tình với đề xuất cần thiết phải tăng thuế theo dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi do Bộ Tài chính đưa ra.

Thực tế thời gian qua, trong mô hình bệnh tật ở Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân tử vong hàng đầu, ước tính trung bình cứ 10 người thì có 8 người chết do các bệnh không lây nhiễm. Ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ chính đối với mô hình bệnh tật tại Việt Nam là thuốc lá, rượu bia. Trong đó, riêng thuốc lá gây ra 25 nhóm bệnh (ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản…) và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, và cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người chết sớm.  

Rượu bia cũng là nguyên nhân của hơn 230 loại bệnh tật và tình trạng thương tích (tổn thương gan, xơ gan, ung thư, các thương tích do bạo lực và tai nạn giao thông…); khoảng 46.000 ca tử vong/năm. Không chỉ vậy, rượu bia còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng như bạo lực, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, phân hóa xã hội. Theo ước tính, thiệt hại về kinh tế do sử dụng rượu bia chiếm 1,3-3,3% GDP.

Đồ uống có đường cũng là nguyên nhân của ít nhất 9 nhóm bệnh (nguy cơ thừa cân béo phì, tiểu đường tuýt 2, hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, tiết liệu, tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa, sa sút trí tuệ…). Tiêu thụ đồ uống có đường gây ra những tác động nặng nề lên nền kinh tế, không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Điều đáng nói, việc sử dụng thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường ở Việt Nam đang có xu hướng tăng cao. Đại diện Vụ Pháp chế khẳng định, để giảm tác hại của thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường đến sức khỏe cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó thuế là giải pháp quan trọng để điều chỉnh hành vi tiêu dùng. “Thuế là giải pháp hữu hiệu nhất để đạt mục tiêu kép về giảm tiêu dùng, giảm bệnh tật và tử vong, đồng thời giúp tăng ngân sách nhà nước. Theo ước tính, nếu tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và rượu bia từ 5% - 8% và đồ uống có đường từ 8%-13%”, bà Đinh Thị Thủy nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia sẻ, hiện nay có 3 sản phẩm chính gây hại cho sức khỏe là thuốc lá, rượu bia, và đồ uống có đường. Mặc dù Việt Nam đã giảm được tỷ lệ hút thuốc thời gian qua, nhưng hiện nay lại đang có dấu hiệu gia tăng nếu không có can thiệp kịp thời. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thuế thuốc lá là biện pháp chính giảm cầu, nhưng lại rất thấp ở Việt Nam. Giai đoạn từ năm 2010 đến 2020, mặc dù Việt Nam đều tăng thuế (năm 2016 và 2019), nhưng giá thuốc lá/thuế tăng hầu như không đáng kể. Trong khi đó, thị trường sản phẩm thuốc lá quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền, khiến người mua có thể dễ dàng lựa chọn thay thế.

Thuế rượu bia cũng là một trong 5 giải pháp trong gói SAFER của WHO để giảm sử dụng rượu bia. Do vậy, đại diện WHO khuyến cáo, cần tăng thuế rượu bia thường xuyên sao cho mức tăng cao hơn mức tăng của lạm phát và mức tăng thu nhập. Không chỉ vậy, việc tăng thuế rượu bia là biện pháp có lợi đôi đường, vừa giúp giảm tiêu thụ, tốt cho sức khỏe, vừa tăng thu cho ngân sách nhà nước. Riêng đồ uống có đường do những tác hại gây ra, đến nay đã có khoảng 110 quốc gia đã áp dụng thuế nước ngọt.

Các chuyên gia về y tế, các nhà quản lý đều đồng loạt cho rằng, thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao trong giảm tiêu dùng thuốc lá so với các giải pháp khác. Đây cũng là giải pháp dự phòng hữu hiệu đã được WHO và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các nước áp dụng. Tất nhiên, việc tăng thuế phải trên cơ sở cân đối hài hòa lợi ích của các chủ thể Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhưng cần đặc biệt ưu tiên mục tiêu bảo vệ sức khỏe, phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam đang thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới… Do đó, tổng mức thuế phải mức đủ lớn để tác động thay đổi mức tiêu dùng.

Đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế đối với thuốc lá, rượu bia và đưa đồ uống có đường vào diện chịu thuế tại dự thảo Luật Thuế TTĐB. Theo đó, đối với thuốc lá Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án bổ sung thuế tuyệt đối, trong đó nghiêng về phương án 2.

Cụ thể, mức thuế tuyệt đối năm đầu thực hiện (2026) là 5.000 đồng/bao, sau đó mỗi năm tăng thêm 1.000 đồng để đến năm 2030 đạt 10.000 đồng/bao. Thực hiện theo đề xuất này, thì tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ tăng từ 36% (năm 2022) lên 59,38%, tương ứng với tỷ lệ hút thuốc ở nam giới sẽ giảm từ 42,7% xuống còn 38,5% và số thu thuế tăng ừ 17,6 nghìn tỷ đồng lên 39,2 nghìn tỷ đồng.  

Tương tự, trong 2 phương án tăng thuế với bia rượu, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất thực hiện theo phương án 2, tức là rượu từ 20 độ trở lên sẽ có mức tăng thuế từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030; rượu dưới 20 độ tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Bia tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Riêng nước giải khát có lượng đường trên 5g/100ml, do là mặt hàng mới được bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB, nên dự thảo đề xuất áp dụng mức 10%.

Ở góc độ nghiên cứu về thuế với sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cho biết, các phương án tăng thuế của Bộ Tài chính đưa ra khá trung tính, không ảnh hưởng nhiều tới sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ tiêu dùng dù chưa ở mức như khuyến cáo. WHO hoàn toàn ủng hộ phương án 2 của Bộ Tài chính do tạo ra hiệu quả tức thì cho sức khỏe cộng đồng, cũng như tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, để giảm tỷ lệ tiêu dùng theo đúng mục tiêu tại Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá, WHO đã đưa ra thêm phương án mức tăng thuế đối với thuốc lá bắt đầu từ 5.000 đồng/bao và đến năm 2030 đạt 15.000 đồng/bao. Theo tính toán, mức tăng này cũng làm ngân sách nhà nước thu thêm được khoảng 37 nghìn tỷ đồng.

Bộ Y tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thuế tuyệt đối cùng với thuế theo tỷ lệ để chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp. Tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO.

Cụ thể, bên cạnh thuế tỷ lệ 75%, mức thuế tuyệt đối cần tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và cứ mỗi năm sẽ tăng thêm 2.500 đồng/bao để đến năm 2030 đạt 15.000 đồng/bao (20 điếu). “Phương án này sẽ giúp đạt tỷ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO (70-75% giá bán lẻ), và giúp giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030”, bà Đinh Thị Thủy nhấn mạnh.

Bộ Y tế cũng đồng tình với phương án 2 về mức thuế và lộ trình tăng thuế đối với mặt hàng rượu và bia như đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi). Cơ quan quản lý về y tế cũng ủng hộ bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam vào đối tượng chịu thuế, bởi đây là đồ uống phổ biến và  được tiêu thụ đặc biệt là giới trẻ, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường là một trong những biện pháp quan trọng giảm tiêu thụ mặt hàng này. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất có thể cân nhắc chia hàm lượng đường theo 2 mức từ 5g-8g/100ml và trên 8g/100ml để có mức thuế khác nhau như một số nước đang áp dụng. Cụ thể, áp thuế 40% đối với nước giải khát có đường (hoặc 30% sau tăng lên 40% theo lộ trình).

Kinh nghiệm của một số nước về Thuế TTĐB với thuốc lá

Về vấn đề này, theo Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương - Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ đươc trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 tới. Từ những kinh nghiệm quốc tế thực tiễn, việc áp dụng Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá cần đảm bảo đạt hiệu quả toàn diện và tránh những hệ lụy có thể lường trước. Vì vậy, cần phải có lộ trình triển khai phù hợp, không nên tăng đột ngột thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá nhằm tránh những tác động tiêu cực.

220920241048-box-12

Với 02 phương án đề xuất của Bộ Tài chính cho thấy, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều khác nhau về việc lựa chọn phương án 1 hay phương án 2?. ĐBQH Tráng A Dương đưa ra kinh nghiệm của một số nước về Thuế TTĐB với thuốc lá, từ đó giúp cho cơ quan soạn thảo có căn cứ để điều chỉnh nội dung đối với dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) cho phù hợp với thực tiễn đặt ra.

Thống đốc Cơ quan Thuốc lá Thái Lan Poomjit Pongpanngam cho biết, thuế suất thuốc lá không hợp lý đã làm giảm nguồn thu thuế thuốc lá của Chính phủ khoảng 23 tỷ baht và doanh số bán hàng đã giảm đáng kể. Kết quả phân tích thực nghiệm về việc tránh thuế thuốc lá ở Thái Lan năm 2023 cho thấy doanh thu thuế thuốc lá lên tới 70 tỷ baht, trong đó doanh thu thuế bị thất thoát do hàng hóa bất hợp pháp ước tính khoảng 23 tỷ baht, tương đương 25% tổng doanh thu thuế thuốc lá. Phân tích cho thấy năm 2023 số lượng thuốc lá lậu đã tăng 22,3% so với năm 2022, và trước đó tăng 15,5% vào năm 2022 so với năm 2021. Ông nói, doanh thu từ nguồn thu từ thuốc lá hợp pháp sụt giảm đã làm giảm 50% lượng thuốc lá thu mua từ nông dân trong ba năm qua, làm giảm thu nhập của 500.000 nông dân.

Malaysia áp dụng cách tăng thuế đột ngột với mức thuế TTĐB tăng thêm hơn 40% vào năm 2015. Theo Oxford Economics, ngay sau khi Malaysia thực hiện việc tăng thuế trong năm 2015, thị phần thuốc lá lậu năm 2016 tại Malaysia tăng gần 40% so với năm 2015 và đến năm 2020 thị phần thuốc lá lậu đã chiếm 64% thị trường Malaysia.

Tương ứng với việc gia tăng thị phần thuốc lá lậu, thị phần thuốc lá hợp pháp tại Malaysia vào năm 2016 đã giảm ngay lập tức 26%; cho đến năm 2020 đã giảm 42% so với năm 2015. Trong khi đó tổng sản lượng thuốc tiêu thụ tại Malaysia (tính cả thuốc lá hợp pháp và bất hợp pháp) tiếp tục tăng đều khoảng 5%/năm (và chỉ giảm nhẹ vào năm 2020 do tình hình Covid 19). Thất thu thuế TTĐB năm 2018 của Malaysia lên tới 4,8 tỷ RM.

Trước khi rời Liên minh châu Âu (EU), Anh là nước có mức thuế gián thu đối với thuốc lá cao nhất trong số các thành viên EU bởi chính sách kiểm soát thuốc lá của quốc gia này được thể hiện thông qua chính sách "đánh thuế thuốc lá cao vì sức khỏe". Điều này đã dẫn đến tỉ trọng thuế rất cao trong giá bán lẻ thuốc lá. Sau đó tiếp tục tái cơ cấu thuế TTĐB đối với thuốc lá. Cụ thể là từ năm 2011, giảm mạnh thuế TTĐB theo tỷ lệ phần trăm từ 24% xuống 16,5% trong khi cấu phần thuế tuyệt đối tăng lên khoảng 30%. Sau đó, từ năm 2017, Anh ban hành chính sách thuế TTĐB tối thiểu (MET). Mức giá sàn được áp dụng cả hai thành phần thuế là thuế tuyệt đối và thuế theo tỷ lệ phần trăm. Mức thuế suất MET hiện tại (từ ngày 27 tháng 10 năm 2021) là 347,86 bảng Anh trên 1.000 điếu thuốc.

Như vậy, kể từ ngày 20/5/2017, thuế TTĐB đối với thuốc lá ở Anh được tính trên cơ sở thuế tuyệt đối (tính trên 1.000 điếu thuốc lá) cộng với 16,5% giá bán lẻ, nhưng không thấp hơn số thuế TTĐB tối thiểu (347,86 bảng Anh tính trên 1000 điếu thuốc lá).

Nhiều doanh nghiệp ngành rượu, bia lỗ nặng

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) từng gửi "tâm thư' đến các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành khi có đề xuất xem xét bổ sung dự án thuế tiêu thụ đặc biệt vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội từ năm 2025 trở đi và xem xét tính đồng bộ, thống nhất của các luật thuế.

hinh-2-1467173420-1480919948

Theo VBA, cần cân nhắc thời gian có hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là sau 12 tháng kể từ khi luật thuế (sửa đổi) được ban hành và giãn lộ trình thực hiện hợp lý để doanh nghiệp có đủ thời gian điều chỉnh và lên kế hoạch thực hiện chính sách có tác động lớn và tránh tác động tăng sốc thị trường.

Các đề xuất cần dựa trên cơ sở khoa học, tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, đánh giá hiệu quả và mức độ đạt được các mục tiêu của lần tăng thuế gần nhất, các đánh giá tác động toàn diện không chỉ đối với đối tượng chịu tác động trực tiếp mà còn bao gồm cả các mục tiêu khác như sức khỏe, ngân sách, kinh tế-xã hội, các đối tượng chịu tác động gián tiếp. 

Lãnh đạo VBA Nguyễn Văn Việt cho rằng các doanh nghiệp ngành đồ uống đã và đang phải chịu tác động kép từ tình hình thế giới và những chính sách liên quan, đặc biệt là Luật Phòng chống tác hại rượu bia và các luật liên quan. Quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn đã khiến các doanh nghiệp ngành rượu, bia sụt giảm doanh thu kéo dài và ngày càng trầm trọng.

Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào đối với ngành sản xuất đồ uống tăng cao từ 15-30%. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện một số chi phí về mua tem thuế (ngành rượu), đóng góp vào phí bảo vệ môi trường bắt đầu từ năm 2024.

Các doanh nghiệp rượu phải đối mặt với khó khăn vấn nạn rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không được quản lý chiếm tới gần 70% lượng rượu tiêu thụ, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chính thống.

Cũng theo VBA, tổng doanh thu thuần của nhóm rượu bia niêm yết trên sàn chứng khoán giảm gần 20%, còn hơn 45.000 tỷ đồng năm 2023 từ mức hơn 55.000 tỷ đồng năm 2022. Trong đó, Sabeco giảm 12%, chỉ đạt 30,7 nghìn tỷ đồng; Habeco giảm 8%, đạt 7.757 tỷ đồng. Đối với Heineken, lợi nhuận tại Việt Nam giảm 32% so với cùng kỳ, trong khi các thị trường khác đều tăng.

Với doanh nghiệp rượu trong nước, Halico liên tục thua lỗ từ nhiều năm, đến cuối năm 2023, Halico lỗ quý thứ 27 liên tiếp và lỗ luỹ kế lên đến 457,7 tỷ đồng...

Thành Nam
Bạn đang đọc bài viết Thuế rượu, bia, thuốc lá và mục tiêu kép tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Cần có lộ trình cụ thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia
Ủng hộ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia như đề xuất của Bộ Tài chính, tuy nhiên nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất cần tỷ lệ tăng thấp hơn cũng như lộ trình tăng cụ thể, hợp lý hơn để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.