Toàn cảnh giảm thuế xăng dầu

04/07/2022, 07:43

TCDN - Trong bối cảnh giá xăng dầu leo thang, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh các chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Giảm 2.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 1/4

Chiều 23/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.

Theo đó, xăng: Giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít. Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn: Giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít. Mỡ nhờn: Giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg. Dầu hỏa: Giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Nhiên liệu bay: Giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH.

Giá xăng dầu đang tăng cao.

Giá xăng dầu đang tăng cao.

Theo tính toán, mỗi lít xăng hiện nay "cõng" khoảng 9.500-10.000 đồng các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường, tương ứng tỷ trọng hơn 30%. Nếu cộng thêm các loại chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức thì tỷ trọng thuế, các chi phí trong mỗi lít xăng loại này khoảng 35%.

Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 01/01/2023 thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Bộ Tài chính, với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT) cả năm khoảng 31.938 tỷ đồng/năm (số giảm thu ngân sách nhà nước bình quân 1 tháng là 2.661,6 tỷ đồng/tháng).

Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1/4/2022 thì số giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT) sẽ khoảng 23.954 tỷ đồng.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần chia sẻ một phần lợi ích của nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp; góp phần giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân. 

Chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua giảm thuế bảo vệ môi trường trong tháng 7

Bộ Tài chính cho biết, để tiếp tục góp phần ổn định giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát, thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 08/6/2022 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự án Nghị quyết của UBTVQH về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự án Nghị quyết đã được gửi xin ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân. Ngày 29/6/2022, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định về dự án Nghị quyết. Bộ Tài chính đã hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết và trình Chính phủ ngay trong ngày 30/6/2022 để trình UBTVQH thông qua tại Phiên họp tháng 7/2022.

Ngày 3/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ thông qua Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ để trình UBTVQH điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 như sau:

Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg. Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Từ ngày 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của UBTVQH.

Vừa qua, thuế bảo vệ môi trường với xăng đã giảm 50%. “Giờ còn 2.000 đồng/l. Có giảm nữa hay không thì thẩm quyền này thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT với xăng có giảm hay không thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Theo tính toán trên cơ sở dự kiến sản lượng tiêu thụ như năm 2019, nếu thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong khung thuế như đề xuất nêu trên thì ước giảm thu NSNN bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng. Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022 và có hiệu lực từ ngày 01/8/2022 thì ước giảm thu NSNN (đã bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) khoảng 7.000 tỷ đồng. Theo đó, tổng giảm thu NSNN do việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 (tính cả phần giảm thu NSNN theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15) khoảng 32.538 tỷ đồng.

Với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 21/6/2022 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 20,47% đối với xăng E5RON92, khoảng 21,41% đối với xăng RON95 và khoảng 11% đối với dầu diesel.

Đại biểu, chuyên gia đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, Bộ Tài chính nói gì?

Trong khi giá xăng tăng “phi mã” trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam còn có dư địa để giảm giá xăng dầu thông qua giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT đối với xăng dầu. Bởi vì nếu để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến domino các mặt hàng giá cả khác.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, thuế xăng dầu ở Việt Nam đang thấp hơn so với nhiều nước. Thuế ở giá xăng nước ngoài chiếm 45-60% nhưng Việt Nam chỉ từ 29 - 31% thuế trong giá xăng dầu. Riêng xăng A92, các loại thuế trong giá xăng dầu chỉ chiếm 28%.

Theo Bộ trưởng, giảm thuế hay không cũng thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Về giảm thuế môi trường trong xăng, dầu, đối với xăng là 4.000 một lít, chúng tôi đã đề xuất tại thời gian vừa rồi, được Thường vụ Quốc hội chấp thuận là giảm 2.000. Như vậy, cả nước giảm mất 24.000 tỷ tiền thu ngân sách, bây giờ còn 2.000 nữa. Theo quy định của luật, Thường vụ Quốc hội chỉ được quyết định giảm thêm 1.000 nữa, còn nếu muốn giảm tiếp 2.000 giá thuế môi trường trong xăng dầu thì thẩm quyền của Quốc hội.

Người đứng đầu ngành Tài chính nói thêm, thuế nhập khẩu hiện nay là 8%, vì theo lộ trình AFTA ta thì giảm xuống từ 8 đến 8,8%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% và thuế GTGT là 10%. Có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nữa hay không thì cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

“Nhưng trước mắt chúng tôi sẽ đánh giá tác động và sẽ báo cáo với Chính phủ để trình với Thường vụ Quốc hội và Thường vụ Quốc hội giải trình với Quốc hội để có thể giảm thuế trong xăng dầu, để giảm giá, xăng dầu xuống. Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện một chính sách đồng bộ, nếu chúng ta chỉ giảm thuế để giảm giá xuống mà chúng ta vẫn để buôn lậu xảy ra thì vô hình chung là dòng tiền của chúng ta lại chạy sang nước ngoài, sang Lào, sang Campuchia, sang Thái Lan”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, “chúng tôi định có văn bản đề nghị với Chính phủ để đề nghị với Quốc hội ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội để quyết định thuế trong xăng dầu để linh hoạt, bởi Quốc hội có 6 tháng họp một lần. Tuy nhiên sau khi đối chiếu Hiến pháp, chúng tôi thấy các quy định nghĩa vụ thuế là theo quy định của pháp luật. Cho nên chỉ khi được Quốc hội đồng ý thì chúng tôi mới có cơ sở để trình”.

gia-xang

Đề xuất giảm thuế nhập khẩu từ 20% về mức phù hợp

Để đa dạng hóa nguồn cung xăng (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các FTA mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (dự thảo Nghị định đang được gửi xin ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp).

Bộ Tài chính hiện đang khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương về dự án Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để trình Chính phủ (trong tháng 8/2022). Theo đó, trên cơ sở ý kiến tham gia, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp. Đối với mặt hàng dầu hiện đang áp dụng mức thuế suất MFN là 7% đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.

Đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT

Cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN từ 20% xuống mức phù hợp như đã báo cáo nêu trên, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế TTĐB đối với xăng và giảm thuế GTGT đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở xăng dầu được tính trên 04 yếu tố chủ yếu gồm: Giá xăng dầu thành phẩm thế giới; Các khoản chi phí và lợi nhuận định mức; Mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG); Các khoản thuế.

Hiện hành, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu và cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu gồm: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Luật phí và lệ phí không có quy định về thu phí, lệ phí đối với xăng dầu. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu tính tại kỳ điều hành ngày 21/6/2022 khoảng 23,12% đối với xăng E5RON92; khoảng 24,04% đối với xăng RON95 và khoảng 12,61% đối với dầu diesel.

Tuy nhiên, theo như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thẩm quyền giảm thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt do Quốc hội thông qua.

Chủ tịch Vương Đình Huệ khẳng định, những vấn đề về thuế dù thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ hay của Chính phủ hay là của Quốc hội và Thường vụ Quốc hội thì cũng cần phải có đề xuất từ Bộ quản lý nhà nước. Hiện nay, cử tri và người dân đang trông chờ phản ứng chính sách này thì cũng mong Bộ trưởng quan tâm và thể hiện quan điểm nguyên tắc của mình trả lời hôm nay bằng những văn bản, những đề xuất rất cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền xem xét để quyết định. Trong giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu còn liên quan rất nhiều thứ nữa chứ không phải chỉ có vấn đề về thuế và phí, còn có chi phí định mức, lợi nhuận định mức,…

Tại kỳ điều hành ngày 1/7, xăng E5 RON 92 giảm 410 đồng còn tối đa là 30.890 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 110 đồng còn 32.760 đồng/lít.

Các loại dầu cũng giảm giá. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 400 đồng còn 29.610 đồng/lít, dầu hỏa giảm 430 đồng còn 28.350 đồng/lít; dầu mazut giảm 1.010 đồng còn 19.720 đồng/kg.

Tuy nhiên đây vẫn là mức giá kỷ lục, ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Toàn cảnh giảm thuế xăng dầu tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan