Viện thẩm mỹ Shynh Premium và NOSELAB cung cấp dịch vụ vượt phép, trốn thuế?
TCDN - Từ vụ việc Viện thẩm mỹ công nghệ cao Shynh Premium truyền NAD+ trái phép bị phát hiện, Công ty NOSELAB thu tiền không xuất hóa đơn...cần làm rõ về vấn đề đóng thuế của các cơ sở làm đẹp và phòng khám.
Cung cấp dịch vụ vượt phép, thu tiền không xuất hóa đơn
Thanh tra Sở Y tế Tp.HCM đã liên tục phát hiện và xử phạt nhiều cơ sở thẩm mỹ, cơ sở làm đẹp và phòng khám cung cấp dịch vụ vượt phép.
Đơn cử, vào ngày 11/7, Thanh tra Sở Y tế Tp.HCM phối hợp Công an quận 3, Phòng Y tế quận 3, UBND phường Võ Thị Sáu và Công an phường Võ Thị Sáu, quận 3, Tp.HCM tiến hành kiểm tra Phòng khám chuyên khoa Da liễu thuộc chi nhánh Công ty TNHH Shynh House thường gọi với cái tên Viện thẩm mỹ công nghệ cao Shynh Premium, địa chỉ 33 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, Tp.HCM.
Theo đó, đoàn kiểm tra đã ghi nhận có 2 hồ sơ bệnh án của 2 bệnh nhân đã được phòng khám truyền NAD+ vào những ngày trước đó với chỉ định giúp cải thiện da tóc, cải thiện sức khỏe. Đáng chú ý, phòng khám này không cung cấp cho Đoàn kiểm tra sản phẩm NAD+ và các hóa đơn, chứng từ liên quan đến sản phẩm này đã được sử dụng cho người bệnh. Phòng khám thừa nhận trước đây cơ sở có quảng cáo dịch vụ truyền năng lượng NAD+ trên màn hình LED ở phía trước cơ sở và trên trang website.
Qua đó, Thanh tra Sở Y tế Tp.HCM đã xác lập hành vi vi phạm hành chính, xử lý nghiêm đối với Phòng khám chuyên khoa Da liễu thuộc chi nhánh Công ty TNHH Shynh House với các hành vi vi phạm các quy định trong hành nghề khám, chữa bệnh, bao gồm: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn; người hành nghề không đăng ký hành nghề; không đảm bảo thuốc thiết yếu để kịp thời cấp cứu người bệnh; kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn; quảng cáo có sử dụng từ ngữ “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định…
Trước đó, ngày 28/5/2024, Thanh tra Sở Y tế Tp.HCM đã ban hành Quyết định số 207/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH NOSELAB, địa chỉ tại 126 Nguyễn Trãi, Phường 3, Quận 5, Tp.HCM với tổng số tiền gần 70 triệu đồng, cụ thể:
Công ty này có các hành vi vi phạm như: Người hành nghề không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; Người hành nghề thực hiện hành nghề không đúng thời gian đăng ký đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh; hoạt động không có biển hiệu theo quy định; Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Đồng thời, công ty này còn thu tiền của bà V. T. T. Trang, nơi cư trú tại phường Kim Long, Tp.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế để tiến hành phẫu thuật nâng mũi với tổng số tiền gần 69 triệu đồng thông qua 4 lần chuyển khoản nhưng không phải chuyển thẳng hết vào cho tài khoản của công ty này mà chuyển qua cả tài khoản cá nhân của nhân viên và không xuất hóa đơn..
Cần làm rõ về vấn đề hóa đơn và đóng thuế
Liên quan đến sự việc Viện thẩm mỹ công nghệ cao Shynh Premium truyền NAD+ trái phép và nhiều trường hợp đơn vị thẩm mỹ, phòng khám, Spa khác thực hiện các dịch vụ, khám chữa bệnh không được cấp phép, ngoài giấy phép và phạm vi chuyên môn nghiệp vụ, và không xuất hóa đơn… Luật sự Đặng Thị Thúy Huyền – Công ty Luật TNHH HPL & cộng sự cho rằng, cần làm rõ vấn đề hóa đơn và thuế, cụ thể:
Nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không được cấp phép hoặc không đúng với phạm vi hoạt động của doanh nghiệp thì doanh nghiệp vẫn phải xuất hóa đơn theo đúng dịch vụ đã cung cấp và phải tiến hành thông báo về việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh tới cơ quan đăng ký kinh doanh nếu không thì doanh nghiệp có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đề cập đến việc nếu doanh nghiệp không xuất hóa đơn ghi rõ dịch vụ mà khách hàng đã sử dụng để ghi nhận doanh thu thì hành vi đó có dẫn đến tình trạng trốn thuế hay không. Luật Sự Huyền cho rằng, hành vi này rất dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp trốn thuế, bởi vì:
Doanh nghiệp có nghĩa vụ xuất hóa đơn cho tất cả các giao dịch và dịch vụ cung cấp mà khách hàng đã sử dụng. Điều này không chỉ đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh mà còn bảo vệ quyền lợi của khách hàng và đảm bảo việc thu thuế được thực hiện chính xác. Đồng thời, hóa đơn là chứng từ chứng minh doanh thu và là cơ sở để tính toán số thuế phải nộp.
Nếu doanh nghiệp không xuất hóa đơn ghi rõ dịch vụ mà khách hàng đã sử dụng thì có thể dẫn đến tình trạng trốn thuế, cơ quan thuế sẽ không có đủ thông tin để xác định doanh thu và tính toán số thuế doanh nghiệp phải nộp, hành vi không khai báo đầy đủ doanh thu thực tế của doanh nghiệp sẽ được xem là hành vi trốn thuế. Điều này có thể dẫn đến việc cơ quan thuế nghi ngờ về việc khai báo không đầy đủ, và nếu phát hiện, doanh nghiệp có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có xuất hóa đơn, nhưng xuất không đúng với tên/ bản chất dịch vụ cung cấp hoặc ghi chung chung không rõ thì có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn như: Phạt tiền từ 20 đến 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng việc buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.
Làm gì để ngăn chặn hành vi trốn thuế
Theo Luật sư Huyền, để ngăn chặn tình trạng các cơ sở hoạt động ngoài phạm vi chuyên môn nghiệp vụ và không xuất hóa đơn dẫn đến trốn thuế... có thể áp dụng một số biện pháp và chế tài như: Thắt chặt quy định pháp lý: Cập nhật và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt chú trọng đến các quy định về giấy phép kinh doanh, hóa đơn, chứng từ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, thiết lập các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất để nâng cao hiệu quả và tính bất ngờ trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh nhằm sớm phát hiện và xử lý các vi phạm.
Sử dụng hệ thống phần mềm quản lý, yêu cầu các cơ sở kinh doanh sử dụng phần mềm quản lý doanh nghiệp để quản lý các hoạt động kinh doanh và xuất hóa đơn đầy đủ, từ đó giúp giám sát và kiểm tra dễ dàng hơn.
Áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm khắc như, tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm để tạo sức răn đe (tăng mức phạt tiền, thu hồi giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động). Áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở vi phạm tái diễn.
Áp dụng hệ thống hóa đơn điện tử bắt buộc để kiểm soát và giám sát việc xuất hóa đơn của các cơ sở kinh doanh. Hệ thống này sẽ giúp phát hiện nhanh chóng các trường hợp không xuất hóa đơn
Tăng cường hợp tác liên ngành giữa các cơ quan chức năng như: cơ quan thuế, quản lý thị trường, và các cơ quan công an, y tế để kiểm tra và xử lý vi phạm một cách hiệu quả, và tránh việc thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước và những hậu quả đáng tiếc về y khoa xảy ra đối với người dân.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899