Xuất khẩu lô cà phê đầu tiên sang EU với thuế suất 0%

17/09/2020, 10:12
báo nói -

TCDN - Lô cà phê gần 300 tấn của Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường EU với mức thuế suất 0% thay vì mức từ 7 - 11% như trước đây.

Đây là kết quả có được từ sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực.

Lô hàng cà phê đầu tiên của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai, với khối lượng gần 300 tấn, được xuất sang EU gồm các thị trường: Đức và Bỉ, theo Hiệp định EVFTA. Lô hàng này được sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu.

Phát lệnh xuất khẩu lô cà phê đầu tiên của Việt Nam sang châu Âu. (Ảnh: TTXVN)

Phát lệnh xuất khẩu lô cà phê đầu tiên của Việt Nam sang châu Âu. (Ảnh: TTXVN)

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, để vào được thị trường EU và hưởng thuế 0%, sản phẩm cà phê phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tất cả các quy định hết sức khắt khe của thị trường khó tính này.

EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, toàn bộ các sản phẩm cà phê bao gồm chưa rang, đã rang, các loại cà phê chế biến đều được xóa bỏ thuế về 0%. Đồng thời, EU cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cà phê Việt Nam. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam tại thị trường EU.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, đạt kim ngạch xuất khẩu thường xuyên trên 3 tỷ USD/năm. Cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ và EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, EVFTA đi vào thực thi từ 1/8, sau 1 tháng đã ghi nhận những kết quả tích cực về xuất khẩu nông sản, trong đó có mặt hàng cà phê. Tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020.

Để tiếp tục triển khai Hiệp định EVFTA có hiệu quả, đặc biệt trong ngành hàng cà phê, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân sản xuất cà phê được chứng nhận do các nhà nhập khẩu châu Âu yêu cầu, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.

Cùng đó, đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, sở chế bảo quản các sản phẩm cà phê; chuyển đổi bộ giống cà phê theo hướng nâng cao chất lượng, tăng thị phần cà phê đặc sản, tiếp tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương.

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu lô cà phê đầu tiên sang EU với thuế suất 0% tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bài 2: Xác định giá khởi điểm: Lo bỏ sót tính đặc thù doanh nghiệp
Để xác định đầy đủ giá thực tế phần vốn của DNNN đầu tư ra ngoài, SCIC phải áp dụng phương pháp tài sản khi xác định giá trị doanh nghiệp, giá khởi điểm bán vốn cho tất cả các đơn vị bán vốn, tránh bỏ sót giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.