8 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân vốn ODA đạt gần 22%
TCDN - Ước thực hiện hết tháng 8 năm 2020 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài (ODA) của các Bộ ngành đạt 21,64% dự toán được giao.
Ngày 26/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã chủ trì Hội nghị giữa Bộ Tài chính với các Bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020.
Theo ông Hoàng Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, sau hai tháng chỉ đạo sát sao và quyết liệt từ các cấp các ngành, tỉ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của các Bộ ngành đã có sự tiến bộ. Ước thực hiện hết tháng 8 năm 2020 đạt tỷ lệ 21,64% dự toán được giao. Với nỗ lực của các Bộ, ngành tỉ lệ giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài theo kế hoạch năm 2020 cao hơn so với cùng kỳ của năm 2019. Tuy nhiên, nếu so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài vẫn còn thấp.
Ông Hải cho biết, việc chậm giải ngân vốn ODA do hàng loạt nguyên nhân như vướng mắc về thủ tục điều chỉnh các dự án. Từ đầu năm 2020 đến nay, qua theo dõi của Bộ Tài chính đã có 9 hiệp định vay của các Bộ, ngành phải làm thủ tục gia hạn, điều chỉnh với nhà tài trợ. Vấn đề chậm hoàn chứng từ đối với các khoản Chính phủ Việt Nam đã nhận nợ với nhà tài trợ nước ngoài.
Bên cạnh việc thực hiện giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2020, các Bộ, ngành còn tập trung giải ngân dự toán đã được giao của năm 2019. Trong 8 tháng đầu năm 2020, các Bộ, ngành đã giải ngân phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn của năm 2019 là 2.420 tỷ đồng.
Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác như: chậm giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong tái định cư, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, các vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế chính sách mới cũng làm cho việc giải ngân đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài bị chậm.
Trong số các bộ, Bộ Giao thông vận tải giải ngân đạt khá nhất, dự kiến đến hết tháng 8/2020 đạt khoảng 51% kế hoạch vốn giao; trong đó giải ngân vốn ODA đạt 41,7%.
Được biết, Bộ Giao thông vận tải có số vốn rất lớn cần giải ngân trong năm 2020 với tổng số tiền lên tới 21 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện Bộ Giao thông vận tải thừa nhận so với kế hoạch đặt ra thì tỷ lệ giải ngân chưa đạt được như kỳ vọng, mục tiêu.
Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết nguyên nhân giải ngân vốn ODA chậm là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động đến các chuyên gia nước ngoài tới hỗ trợ kỹ thuật thiết kế… dẫn đến từ đó ảnh hưởng đấu thầu, giao thầu dự án chậm; một số dự án hoàn thành cần thời gian hoàn thiện thủ tục thanh quyết toán; hay thủ tục điều chỉnh chủ trương 1 số dự án kéo dài đã trình từ cuối 2019 nhưng đến tháng 8/2020 mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận…
Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính rà soát số liệu giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài. Đồng thời phối kết hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc thực hiện giải quyết các thủ tục giải ngân rút vốn và tạm ứng vốn, hoàn lại chứng từ theo đúng quy định.
Đối với các dự án phải điều chỉnh thời hạn giải ngân, chủ trương đầu tư, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị các Bộ, ngành cần phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng, trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ trao đổi đàm phán nhà tài trợ để điều chỉnh hiệp định vay. Thứ trưởng cũng cho biết, từ nay tới cuối năm các Bộ, ngành sẽ tổ chức giao ban hàng tháng và cùng rà soát, xét kĩ hơn về tình hình giải ngân vốn ODA để các khó khăn, vướng mắc được khắc phục một cách triệt để nhất…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899