Bắc Giang: Tuýt còi nhiều doanh nghiệp vi phạm khai thác đất

26/08/2021, 08:09

TCDN - Gần đây, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác đất san lấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã bị chính quyền địa phương xử phạt do vi phạm không tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, thu lợi bất chính và làm 'chảy máu' tài nguyên.

Nhiều doanh nghiệp bị phạt vì khai thác đất sai phép

Mới đây, tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định số 1625/QĐ-XPVPHC xử phạt đối với Công ty TNHH MTV Thương mại Bá Thiết (địa chỉ tại xóm Chiền, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng) với tổng số tiền 120 triệu đồng.

Doanh nghiệp này đã có hành vi, vi phạm: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất làm vật liệu san lấp) không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 0,1ha đến dưới 0,5ha.

Cụ thể, theo kết quả kiểm tra, Công ty TNHH MTV Thương mại Bá Thiết đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác theo Quyết định số 367/QĐ-UBND ngày 6/5/2020 của UBND tỉnh, với diện tích là 2,864m2, khối lượng đất khai thác là 9.767 m3 đã vận chuyển đi làm vật liệu san lấp tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên. Địa điểm khai thác tại khu vực thôn Xi, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng.

Được biết, Công ty Bá Thiết được UBND tỉnh Bắc Giang cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 367/QĐ-UBND ngày 6/5/2020 tại khu vực Hòn Bỏng Lớn, thôn Xi, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng. Theo đó, doanh nghiệp này khai thác khoáng sản để phục vụ xây dựng công trình giao thông trên địa bàn huyện Yên Dũng, huyện Việt Yên và thành phố Bắc Giang. Diện tích khu vực khai thác 3,9ha, trữ lượng mỏ 394,766m2, công suất khai thác 96.000m3/năm.

Trước đó không lâu, một doanh nghiệp khác cũng đã bị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vì vi phạm trong lĩnh vực khai thác đất san lấp.

Công ty Tiền Phương Bắc bị xử phạt 100 triệu đồng do có hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác đất san lấp

Công ty Tiền Phương Bắc bị xử phạt 100 triệu đồng do có hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác đất san lấp

Ngày 23/07/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 1530/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty TNHH Một thành viên Tiền Phương Bắc (Công ty Tiền Phương Bắc) vì đã có hành vi, vi phạm: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất làm vật liệu san lấp) không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 1,5ha trở lên tại khu vực thôn Má Bắp, xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang.

Theo đó, Tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 359/QĐ-UBND ngày 5/5/2020 của UBND tỉnh là 15.42lm2, với chiều cao khai thác hình quân 2,5m, khối lượng khai thác 38.552,5m3 đất làm vật liệu san lấp.

Do đó, Công ty Tiền Phương Bắc đã bị xử phạt với số tiền 100 triệu đồng, đồng thời phải nộp lại 462.630.000 đồng tương đương 38.552,5m3 đất san lấp mặt bằng đã khai thác và thu lợi bất hợp pháp.

Hồi đầu tháng 7, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam đã ra quyết định xử phạt, truy thu hơn 64 triệu đồng đối với Công ty TNHH Sản xuất, chế biến lâm sản và Vận tải Long Hải (Công ty Long Hải) tại thôn Trại Mít, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam) về hành vi tự ý tổ chức khai thác đất làm gạch vượt ra ngoài ranh giới được cấp phép.

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này đã tự ý tổ chức khai thác đất làm gạch vượt quá giới hạn cho phép, gây thất thoát tài nguyên quốc gia, do đó,với hành vi nêu trên cơ quan chức năng xử phạt hành chính Công ty Long Hải số tiền 15 triệu đồng và buộc phải nộp lại khoản lợi nhuận từ việc khai thác bất hợp pháp 968m3 đất làm gạch đã tiêu thụ tương đương với số tiền 49,3 triệu đồng. 

Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chỉ có 33 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đất nhưng nhu cầu đất san nền rất lớn khoảng 3 triệu m3. Các mỏ khai thác đất được cấp phép hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 1,5 – 2 triệu m3/năm, tương ứng khoảng 60% nhu cầu san lấp, đắp nền trên địa bàn.

Do vậy, tình trạng các doanh nghiệp, chủ mỏ sử dụng xe quá khổ, quá tải để vận chuyển, khai thác ra ngoài ranh giới được cấp phép, không tuân thủ các quy định về việc đặt trạm cân, hệ thống camera giám sát ,... vẫn diễn ra phổ biến. 

Làm thất thu ngân sách

Theo thông tin có được từ đầu năm đến nay toàn tỉnh Bắc Giang đã phát hiện, xử phạt 62 trường hợp vi phạm trong hoạt động khoáng sản ở các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Lạng Giang… Lỗi chủ yếu là khai thác đất san lấp trái phép với tổng số tiền phạt hơn 500 triệu đồng, tịch thu khoáng sản quy đổi khoảng 200 triệu đồng và thu hơn 1,4 tỷ đồng tương đương giá trị phương tiện sử dụng trái phép vi phạm hành chính.

Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang đã thành lập tổ công tác kiểm tra ranh giới, sản lượng khoáng sản tại các đơn vị đã được cấp phép có dấu hiệu vi phạm. 

Ngày 27/7, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý khoáng sản. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét tham mưu đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần, không khắc phục tồn tại. Đồng thời đề xuất chấn chỉnh, kiểm điểm trách nhiệm, phê bình người đứng đầu địa phương để xảy ra vi phạm mà không ngăn chặn, xử lý, gây bức xúc trong nhân dân.

Mặc dù vậy vì lợi nhuận lớn nên nhiều tổ chức, cá nhân vẫn bất chấp quy định của pháp luật đánh cắp tài nguyên, trục lợi bất chính làm thất thu ngân sách, phá vỡ cảnh quan môi trường.

HT
Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang: Tuýt còi nhiều doanh nghiệp vi phạm khai thác đất tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Lạng Giang, Bắc Giang: Tấp nập khai thác đất trái phép?
Trên địa bàn huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang tồn tại việc nhiều đơn vị khai thác đất đồi sai phép, trái phép ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như làm "chảy máu" tài nguyên quốc gia. Tuy nhiên, đến nay chính quyền địa phương chưa thể có giải pháp để chấm dứt, khắc phục tình trạng này.