Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án điều chỉnh giá điện

05/10/2022, 15:25
báo nói -

TCDN - Bộ Công Thương đề nghị các bộ ngành và địa phương xem xét cho ý kiến về 2 phương án biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc và 4 bậc.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Trên cơ sở ý kiến của đơn vị tư vấn, Bộ Công Thương đề xuất phương án biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc và 4 bậc.

Phương án 1: Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc như theo đề xuất của EVN và Tư vấn tại Công văn số 404, nhưng có thay đổi về cơ cấu tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân.

Biểu giá điện được đề xuất rút gọn từ 6 xuống còn 5 bậc.

Biểu giá điện được đề xuất rút gọn từ 6 xuống còn 5 bậc.

Cụ thể: Bậc 1 cho 100 kWh đầu tiên; Bậc 2 cho kWh từ 101-200; Bậc 3 cho kWh từ 201-400; Bậc 4: cho kWh từ 401-700; Bậc 5 cho kWh từ 701 trở lên.

Trên cơ sở thiết kế các bậc nêu trên, giá điện cho từng bậc được Bộ Công thương thiết kế lại.

Cụ thể: Bộ này muốn giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401-700 kWh và trên 700kWh.

Giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101-200 kWh và 201-300 kWh.

Giá điện cho các bậc từ 401-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp, với mức giá cao nhất là 3.356 đồng/kWh.

Ưu điểm của phương án này, theo Bộ Công Thương là đơn giản, người dân dễ hiểu. Nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.

Phương án 2, Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng rút ngắn từ 6 bậc xuống 4 bậc như theo đề xuất của EVN và Tư vấn.

Cụ thể: Bậc 1 cho 100 kWh đầu tiên; Bậc 2 cho kWh từ 101-300; Bậc 4 cho kWh từ 301-700; Bậc 5 cho kWh từ 701 trở lên

Theo đó, giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.

Giá điện cho các bậc từ 101-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Việc phân chia giảm bớt 1 bậc so với phương án 5 bậc nêu trên sẽ làm giảm bớt một phần tác động tăng tiền điện trong các tháng chuyển mùa với phần lớn các hộ sử dụng điện nằm trong dải sử dụng từ 100-300 kWh.

Tuy nhiên, so với phương án 5 bậc nêu trên, Bộ Công Thương đánh giá, phương án 4 bậc sẽ làm tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119-232 kWh/tháng và các hộ có mức sử dụng trên 806 kWh/tháng.

Song, tác động tăng tiền điện đối với các hộ có mức sử dụng từ 119-232 kWh/tháng là không lớn với mức tiền điện tăng thêm chỉ tối đa chỉ 12.100 đồng/tháng/hộ, tương ứng mức tăng tiền điện là 3,25%.

Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, phương án 4 bậc sẽ có tác dụng thấp hơn trong việc khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả so với phương án 5 bậc.

Với những phương án đề xuất trên, Bộ Công Thương yêu cầu các bộ ngành có góp ý trước ngày 18/10/2022.

Ngọc Diễm
Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án điều chỉnh giá điện tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Phó thủ tướng: Xem xét chưa điều chỉnh tăng giá điện
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu với mặt hàng điện, trước mắt trong thời gian tới xem xét chưa điều chỉnh tăng giá điện, tuy nhiên trước áp lực tăng giá của các nguyên liệu đầu vào cần tiết kiệm chi phí, kiểm soát, tính toán, xử lý những tồn tại liên quan đến chi phí để giữ ổn định giá điện.