Đảm đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm an toàn dịp Tết Nguyên đán

07/12/2023, 14:46

TCDN - Nhằm đảm đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm an toàn dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương thúc đẩy chăn nuôi, trồng trọt theo chuỗi, trong đó lĩnh vực chăn nuôi phải kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, giảm chi phí, hạ giá thành.

Ngăn chặn tình trạng nhập lậu, đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn dịp Tết Nguyên đán 2024.

Ngăn chặn tình trạng nhập lậu, đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn dịp Tết Nguyên đán 2024.

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm và giảm nguồn cung 

Đến thời điểm này, các chỉ số phát triển của ngành Nông nghiệp đang rất tích cực. Trong đó, đàn lợn đến cuối tháng 11/2023 tăng 4% so với cùng thời điểm năm 2022; đàn bò tăng 0,6%; đàn gia cầm tăng 3%... Dự báo tháng cuối năm 2023 và thời điểm đầu năm 2024, đàn vật nuôi duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Còn các mặt hàng lương thực, đặc biệt là lúa gạo đạt sản lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và dành phần quan trọng cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, “đến hẹn lại lên”, thị trường thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán luôn tiềm ẩn nguy cơ khó lường về bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Thời gian qua, Thủ tướng có nhiều văn bản chỉ đạo ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm nhưng tình hình vẫn diễn ra phức tạp, gây nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, dịch bệnh động vật, nhất là dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xảy ra ở một số địa phương, gây tổn thất kinh tế cho người chăn nuôi, và nguy cơ mất an toàn thực phẩm và giảm nguồn cung trong thời gian tới.

Theo số liệu của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 481 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 42 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 18.110 con lợn. Ngoài ra, có 19 ổ dịch cúm gia cầm (cúm A H5N1) tại 16 huyện, thị xã của 11 tỉnh, thành phố với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu hủy 35.706 con. Bệnh lở mồm long móng, 22 ổ dịch (tuýp O) xuất hiện tại 15 huyện, thị của 11 tỉnh, thành phố với số gia súc mắc bệnh 760 con. Cùng với đó là các bệnh như viêm da nổi cục, bệnh nhiệt thán trên trâu bò; bệnh tai xanh trên lợn cũng đang có diễn biến phức tạp.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cảnh báo, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm vẫn hiện hữu. Hơn nữa, vào dịp cuối năm, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng mạnh do phục vụ Tết Nguyên đán, việc vận chuyển, giết mổ cũng sẽ gia tăng khiến rủi ro càng lớn hơn. 

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật dịp cuối năm tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Long An, An Giang đang có chiều hướng gia tăng… Ước tính riêng lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. Mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam thông qua các đường tiểu ngạch.

Dự báo nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm vào dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn sẽ tăng 10-15% so với các tháng khác trong năm. Điều này đòi hỏi, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương phải vừa duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, vừa tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn động vật. Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm động vật sản xuất trong nước, nhất là các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm… Ngoài ra, các địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt năng suất, sản lượng cao nhất trong vụ lúa thu đông, đông xuân cùng các loại cây rau màu vụ đông.

Đặc biệt, lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông... để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Đồng thời chỉ đạo, triển khai lực lượng kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ trên địa bàn. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, thao túng thị trường, đẩy giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và người sản xuất lương thực, thực phẩm.

Địa phương chủ động lập các chốt, tổ kiểm soát lưu động

Để ngăn chặn tình trạng nhập lậu, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, bảo đảm nguồn cung sản phẩm dịp cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhất là trong Tết Nguyên đán sắp tới; mới đây, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tuyên truyền cho nhân dân, nhất là ở khu vực biên giới, về tác hại của việc nhập lậu, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vận chuyển trái phép, nhập lậu động vật.

Cùng với đó, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng bệnh.

Các địa phương chủ động lập các chốt, tổ kiểm soát lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật. Tiếp tục kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp. Thành lập các đoàn kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm sai phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và trong phòng, chống dịch bệnh động vật.

Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán; Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y tăng cường kiểm dịch nhập khẩu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nội địa; Phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Quang Huy
Bạn đang đọc bài viết Đảm đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm an toàn dịp Tết Nguyên đán tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tăng cường kiểm soát giết mổ động vật, đảm bảo an toàn thực phẩm
Với hơn 24.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, có nguy cơ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Sản xuất kinh doanh thủy sản: Ưu tiên nguồn lực cải thiện hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm
Rà soát, sửa đổi chương trình quản lý chất lượng theo HACCP; thiết lập có hệ thống các biện pháp kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu sản xuất; Ưu tiên nguồn lực cải thiện hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm… là những yêu cầu đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.
Gỡ vướng xuất khẩu tôm hùm bông: Yêu cầu an toàn thực phẩm không đổi, chứng minh quá trình nuôi trồng
Dù các yêu cầu về an toàn thực phẩm, thủ tục hải quan không thay đổi, tuy nhiên, việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc đang bị ách tắc. Để xác định nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 10/11.
Nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, việc thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững phải gắn liền với phát triển nông nghiệp sinh thái; nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.