Doanh nghiệp ngoài quốc doanh nộp gần 350.000 tỷ đồng tiền thuế
TCDN - Trong 9 tháng đầu năm, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh các khoản nộp ngân sách qua thuế GTGT đạt hơn 97 nghìn tỷ đồng, thuế TNDN đạt gần 248 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 17% so với cùng kỳ.
Hoạt động kinh doanh doanh nghiệp khởi sắc
Báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện giới doanh nhân Việt Nam chiều nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả.
Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước được phục hồi, GDP tăng 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,16%. Nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.
Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố. Tính riêng trong quý III/2023, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng đầu năm chúng ta có 165.000 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022.
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách.
Bộ trưởng nêu rõ, theo ước tính của Tổng cục Thuế, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ 2022. Trong 9 tháng đầu năm, các khoản nộp ngân sách qua thuế GTGT đạt hơn 97 nghìn tỷ đồng, thuế TNDN đạt gần 248 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 17% so với cùng kỳ.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước trên cả nước đạt gần 690 nghìn tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch. Lãi phát sinh trước thuế là 67,4 nghìn tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, các kết quả nêu trên là rất đáng ghi nhận.
Doanh nghiệp trong một số ngành trọng điểm có tín hiệu phục hồi khả quan, đóng góp tích cực cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế quốc gia. Trong nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu gạo 9 tháng đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ, vượt mức xuất khẩu cao nhất 3,65 tỷ USD từng đạt năm 2011. Về ngành hàng thuỷ sản, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với cùng kỳ năm ngoái, dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt khoảng 9,3 tỷ USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng nhẹ ở mức 0,29%. Xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp, chế biến chế tạo chủ lực tăng trưởng dương trong tháng 9.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian tới như sức mua của thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan và phản ánh từ các hiệp hội, mặc dù một số doanh nghiệp đã bắt đầu nhận được đơn hàng mới trong quý III, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đang thiếu hụt đơn hàng nghiêm trọng. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 13%, dệt may giảm 12%, giày dép giảm 18%, thủy sản giảm 22%. Trong ngành gỗ, nhu cầu giảm mạnh khoảng 3 tỷ USD, tương ứng 25% so với cùng kỳ. Doanh số bán ô tô của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn năm 2021, thời kỳ đỉnh dịch COVID-19.
Áp lực chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp tiếp tục phản ánh khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ qua các gói tín dụng do các điều kiện, thủ tục phức tạp, lo ngại vấn đề thanh tra, kiểm tra.
Vướng mắc về rào cản pháp lý và thực thi pháp luật, tâm lý "sợ sai", không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
Một số vướng mắc đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh đến các bộ, ngành liên quan và Chính phủ trong nhiều tháng qua nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để, tạo gánh nặng chi phí và áp lực lớn đối với dòng tiền của doanh nghiệp như: quy định về phòng cháy chữa cháy, hoàn thuế GTGT, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm… Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam báo cáo tổng số thuế GTGT chưa được hoàn của toàn ngành lên đến 8.000 tỷ đồng.
Tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản pháp lý
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần như quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành...
Khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý so với thực tiễn hoạt động kinh doanh như: Chi phí kiểm dịch động vật, định mức chi phí tái chế, chi phí lưu kho bãi…; rà soát biểu giá bán lẻ điện, giá nước sạch; xem xét áp dụng giá điện cho các cơ sở du lịch như giá điện sản xuất để phục hồi ngành du lịch; nghiên cứu chính sách giảm tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1%.
Rà soát tổng thể các chính sách về thuế hiện hành, nghiên cứu phương án ưu đãi thuế và lộ trình áp dụng cho các doanh nghiệp, dự án xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; nghiên cứu phương án ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp chuyển đổi số.
Tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay cả VND và USD. Tích cực giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khẩn trương ban hành Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech).
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước
Xem xét mở rộng diện áp dụng của chính sách miễn thị thực đơn phương trong thời gian tới. Triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam…
Đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899