Giải ngân vốn đầu tư công: Còn tình trạng tiền chờ dự án

24/09/2020, 13:41

TCDN - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng có tình trạng dự án đã có tiền nhưng chưa đủ thủ tục nên không thể giải ngân vốn đầu tư công dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp và thường dồn vào cuối năm.

Liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc giao kế hoạch phân bổ vốn giữa các bộ, ngành, địa phương không đồng đều. Đến ngày 21/9, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa giao được kế hoạch phân bổ vốn đầu tư.

Theo ông Phương, để chuyển tiền được từ Kho bạc Nhà nước về nhà thầu phải đáp ứng đủ các điều kiện như khối lượng thực hiện, dự án đầy đủ thủ tục…

“Một dự án từ khi hình thành ý tưởng cho đến lúc đi vào thực tiễn mất nhiều thời gian. Dự án nhóm C 1 năm, nhóm B 2 năm, nhóm A thời gian dài hơn. Vì vậy nếu không chuẩn bị dự án đầu tư sớm giải ngân sẽ khó”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Phương cho hay.

Việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch đề ra. (Ảnh minh họa)

Việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch đề ra. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, ông Phương thừa nhận để giải ngân tốt kế hoạch đầu tư dự án phải chuẩn xác. Hiện nay có tình trạng tiền chờ dự án. Dự án đã được phân bổ vốn nhưng chưa đủ thủ tục, đến khi hoàn thành thủ tục lại hết kế hoạch.

Nhiều dự án đạt tốc độ kỷ lục đến tháng 11 khởi công thì chỉ còn 2 tháng để giải ngân. Tiền đã nằm chờ dự án đó từ đầu năm đến tháng 11 khiến không thể giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân thấp. Chính vì vậy có tình trạng tỷ lệ giải ngân 2 tháng cuối năm đặc biệt tháng 1 năm tiếp theo rất lớn.

Từ kinh nghiệm kiểm toán việc giải ngân vốn đầu tư công các dự án nhiều năm, ông Hoàng Phú Thọ, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành IV cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập, chưa kỹ, chưa tốt dẫn đến dự án và kế hoạch phải điều chỉnh nhiều lần.

Lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch đội vốn lớn hơn khả năng giải ngân…

“Việc tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa tích cực, thậm chí sợ trách nhiệm khi triển khai, ký duyệt các thủ tục thanh toán; quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu… còn hạn chế gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện dự án”, ông Hoàng Phú Thọ khẳng định.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng công tác lựa chọn tư vấn tốt thì quá trình thực hiện dự án nhanh hơn và ít bị điều chỉnh. Nhiều dự án tư vấn không đảm bảo khiến dự án kéo dài và đội vốn lên 2-3 lần. Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị kiểm toán nhà nước nên có nội dung kiểm toán việc lựa chọn tư vấn.

Bà Lương Thị Hồng Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi Kho bạc Nhà nước nhận định việc khắc phục kiến nghị kiểm toán ở nhiều dự án, nhiều đơn vị chưa kịp thời. “Kiểm toán Nhà nước cần công khai, minh bạch kết quả kiểm toán trên các phương tiện thông tin đại chúng để góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công. Cùng với đó ban hành chế tài xử phạt các đơn vị chậm thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước”, bà Thúy đề xuất.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Giải ngân vốn đầu tư công: Còn tình trạng tiền chờ dự án tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong 5 năm
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, dù ảnh hưởng dịch COVID-19, song nền kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng.