Giới doanh nghiệp Mỹ cảnh giác trước sự vỗ về của hai ứng viên tổng thống

13/06/2024, 11:27
báo nói -

TCDN - Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tích cực đối thoại với các giám đốc điều hành trong khi tỷ phú Donald Trump nói giới doanh nghiệp ủng hộ ông.

Trong quá trình tranh cử, Tổng thống Joe Biden thường giáng đòn mạnh vào giới kinh doanh. Ông nói với cử tri rằng các doanh nghiệp nên nộp thuế nhiều hơn. Ông cũng đổ lỗi cho nhiều doanh nghiệp góp phần khiến giá cả leo thang, gây ra lạm phát.

Nhưng vài tháng qua, thay vì chỉ trích, chiến thuật tranh cử của ông đã thay đổi. Giới chức Nhà Trắng đang tăng cường tiếp cận các giám đốc điều hành doanh nghiệp để hỏi xem họ cần gì. Theo AP, nỗ lực của ông Biden đang "lấn chiếm địa bàn" cộng đồng doanh nghiệp mà cựu Tổng thống Donald Trump xem là sân nhà.

Cả hai ứng cử viên đều muốn gửi một thông điệp tới các cử tri rằng họ có thể cộng tác với doanh nghiệp, tức các nhà tuyển dụng lao động. Nhưng nhiều doanh nghiệp tỏ ra cảnh giác trong việc phải công khai đứng về bên nào, bởi dân chúng đang thể hiện sự chia rẽ lớn về lập trường ủng hộ Tổng thống Joe Biden hay tỷ phú Donald Trump.

Hoạt động của Tổng thống Joe Biden

Về phía Biden, cuối tháng 2, Chánh văn phòng Nhà Trắng Jeff Zients đã tập hợp 6 quan chức cấp cao của chính quyền trong một bữa tối để phổ biến chiến dịch trò chuyện với những người điều hành doanh nghiệp. Mỗi người đồng ý tiếp xúc với 10 nhà điều hành.

Đến cuối tháng 4, nhóm này đã trò chuyện với hơn 100 người. Thứ trưởng Tài chính Wally Adeyemo thổ lộ rằng qua các cuộc đối thoại, ông nhận thức rõ hơn về cách các vấn đề liên kết với nhau. Ví dụ, các chính sách năng lượng tái tạo là cần thiết để xây dựng các trung tâm dữ liệu sử dụng cho trí tuệ nhân tạo.

Ông Adeyemo khẳng định chính quyền đã đạt được một số thành công trong việc giảm bớt các thủ tục giấy tờ liên bang cần thiết cho việc cấp phép đầu tư. Chính quyền Biden đang đưa ra một lập luận tổng thể rằng các kế hoạch của họ tốt hơn cho tăng trưởng, điều mà về lâu dài sẽ có lợi cho doanh nghiệp.

Sau các cuộc đối thoại cấp bộ trưởng, thứ trưởng, đích thân ông Biden đã trò chuyện với 8 nhà lãnh đạo doanh nghiệp vào tháng 5, bao gồm những người đứng đầu United Airlines, Marriott, Xerox, Corning, Bechtel và Citigroup.

Biden Trump

Đến nay, thông điệp chính của nhóm vận động tái tranh cử của ông Biden dành giới doanh nghiệp là: chúng tôi cho rằng nền kinh tế đang hoạt động tốt nhưng muốn nghe ý kiến quý vị về cách có thể thúc đẩy đầu tư.

Lael Brainard, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng hứa hẹn sẽ "giải quyết vấn đề" cho doanh nghiệp. "Họ biết rằng họ sẽ luôn được lắng nghe", ông nhắn nhủ.

Chiến lược của tỷ phú Donald Trump

Trong khi đó, hôm 13/6, tỷ phú Donald Trump sẽ thực hiện buổi trình bày tại hội nghị của Bàn tròn Doanh nghiệp - một hiệp hội gồm hơn 200 CEO, về lý do tại sao nền kinh tế sẽ tốt hơn nếu ông trở lại Phòng Bầu dục.

Ông Biden cũng được hiệp hội mời đến nhưng bận đến Italy để tham dự Hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo G7 - nhóm 7 nước phát triển gồm Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Italy và Nhật Bản. Do đó, Chánh văn phòng Nhà Trắng Jeff Zients sẽ trình bày tầm nhìn của tổng thống dành cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Biden từ lâu đã cố gắng cân bằng lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. Tổng thống cố gắng kiềm chế chỉ trích giới doanh nghiệp bằng cách lưu ý rằng ông là cựu thượng nghị sĩ của Delaware, đến từ "thủ đô doanh nghiệp của thế giới".

Delaware được ví là "thủ đô doanh nghiệp của thế giới" bởi nhiều chuyên gia kinh tế và luật, cũng như nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh tại Mỹ do bang này có luật doanh nghiệp thuận lợi, thủ tục lập công ty đơn giản, thuế thấp, bảo mật cao và có tòa án chuyên biệt phục vụ các tranh chấp về doanh nghiệp.

Về phần mình, cựu tổng thống Donald Trump đánh bóng danh tiếng với tư cách là tỷ phú bất động sản và có kinh nghiệm tiếp thị mọi thứ, từ các khóa học đến món bít tết hay cà vạt. Ngoài ra, ông còn có một tập đoàn truyền thông & công nghệ tên Trump đã niêm yết từ tháng 3 trên thị trường chứng khoán.

Trong nhiệm kỳ của mình, Trump đã hạ thuế doanh nghiệp và cam kết giảm bớt các quy định. Ông đã nhận được sự ủng hộ từ các tỷ phú Phố Wall như Stephen Schwarzman, người đã gọi ông là "một lá phiếu cho sự thay đổi".

The Washington Post đưa tin rằng Trump đã đề nghị các giám đốc điều hành ngành dầu mỏ tài trợ cho chiến dịch tranh cử của mình với lý do lợi nhuận mà chính quyền của ông sẽ mang lại cho họ. Tuy nhiên, thông tin này bị đội ngũ tranh cử của Trump bác bỏ, cho là sai sự thật.

Trump đã mô tả nền kinh tế Mỹ dưới thời Biden là khủng khiếp dù tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 4% và thị trường chứng khoán tăng trưởng. Lập luận của ông vẫn gây được tiếng vang với cử tri vì lạm phát tăng vọt khiến nhiều người Mỹ bi quan về nền kinh tế.

Karoline Leavitt, Phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của Trump cho biết "các lãnh đạo doanh nghiệp và gia đình lao động đều mong muốn sự trở lại của các chính sách hợp lý" như cắt giảm thuế, giảm quy định và tăng sản xuất dầu và khí đốt.

Tuy nhiên, các trợ lý hàng đầu của Biden nói họ nghe được đánh giá khác về nền kinh tế khi tiếp cận các CEO. Họ nói giới kinh doanh từng tiếp xúc nhìn chung hài lòng với diễn biến của thị trường chứng khoán và nền kinh tế vì lạm phát đã giảm mà không xảy ra suy thoái như một số người từng lo ngại.

Nhiều quan chức chính quyền Biden cho biết các lãnh đạo công ty cũng bày tỏ lo ngại về Trump. Việc Trump kêu gọi tăng thuế hàng nhập khẩu có thể phá vỡ mối quan hệ với các đối tác thương mại và làm tổn hại đến doanh thu của các công ty. Cổ phiếu và trái phiếu có thể sụt giảm nếu Trump cố gắng khẳng định quyền kiểm soát các cơ quan độc lập về mặt chính trị như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoặc làm suy yếu nền pháp quyền.

Bảo Long/AP
Bạn đang đọc bài viết Giới doanh nghiệp Mỹ cảnh giác trước sự vỗ về của hai ứng viên tổng thống tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan