Kiến nghị Chính phủ thành lập Tổ công tác nghiên cứu cơ chế phát triển đột phá Tp.HCM

16/04/2023, 11:33
báo nói -

TCDN - Chủ tịch UBND Tp.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu việc tái cơ cấu nền kinh tế, xác định động lực, cơ chế đột phá để Tp.HCM phát triển nhằm thực hiện đúng vai trò.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội Tp.HCM do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào sáng 16/4, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị nhiều nội dung quan trọng liên quan đến cơ chế, chính sách cho Thành phố.

Chủ tịch UBND Tp.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Tổ công tác của Chính phủ cùng Thành phố nghiên cứu việc tái cơ cấu nền kinh tế, xác định động lực, cơ chế đột phá để Thành phố phát triển nhằm thực hiện đúng vai trò theo Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ thành lập Tổ công tác nghiên cứu cơ chế phát triển đột phá Tp.HCM.

Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ thành lập Tổ công tác nghiên cứu cơ chế phát triển đột phá Tp.HCM.

Theo ông Mãi, đây là việc dài hạn nhưng rất quan trọng cho phát triển của Thành phố trong tương lai.

Ngoài ra, người đứng đầu UBND Tp.HCM cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ thống nhất các nội dung dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54; chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 4/2023 sớm chủ trì, xây dựng dự thảo Nghị định mới hướng dẫn, để triển khai ngay sau khi Nghị quyết mới có hiệu lực thi hành.

Đối với các dự án giao thông, Tp.HCM kiến nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng (dự án cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài; dự án đầu tư hoàn chỉnh cao tốc Thành phố - Trung Lương; Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Đường Vành đai 3 Tp.HCM; Đường Vành đai 4 Tp.HCM; Dự án cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Dự án đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, ga đường sắt Thủ Thiêm, ga đường sắt Bình Triệu; các dự án đường sắt đô thị...) và quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế cho 3 bệnh viện cửa ngõ Thành phố.

Đồng thời, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản: Nghị định 152 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Quyết định số 46 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo hướng tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề; Nghị quyết về điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố thí điểm thực hiện cấp giấy phép lao động điện tử cho người lao động nước ngoài để phù hợp với chủ trương, chương trình chuyển đổi số; đồng thời có cơ chế đặc thù thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà; Chủ động quyết định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn thành phố năm 2023.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc UBND Thành phố giai đoạn 2021-2025.

Đối với khó khăn của thị trường bất động sản, Thành phố kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến phương án sử dụng đất các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phẩn hóa; doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa chuyển mục đích sử dụng đất.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, Chủ tịch Phan Văn Mãi đánh giá, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý 1/2023 của Tp.HCM chưa đạt như mong muốn. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Người đứng đầu chính quyền Tp.HCM nhìn nhận, nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, sự trì trệ của hệ thống hành chính cũng là một nguyên nhân quan trọng đối với kết quả quý 1.

Đồng thời, những động lực tăng trưởng của Thành phố vốn đã suy giảm trong nhiều năm qua lại bị thách thức, bào mòn rất lớn sau đại dịch COVID-19, trong khi đó, những vướng mắc cũ phát sinh trong đại dịch và gần đây chưa được giải quyết triệt để và những động lực mới, không gian phát triển mới chưa được xây dựng và phát huy.

"Qua đánh giá tình hình trước mắt, Thành phố chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu đạt được tăng trưởng cao nhất có thể trong năm", ông Phan Văn Mãi cho biết.

Báo cáo của Thành ủy Tp.HCM cho biết, năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 9,03%, cao hơn bình quân chung cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt trên 471 nghìn tỷ đồng, đứng đầu và chiếm 30% tổng thu ngân sách cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 6.770 USD/người; vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực đạt 56,5 tỷ USD, xuất khẩu đạt 49,5 tỷ USD 9 (cùng đứng đầu cả nước).

Tuy nhiên, quý 1/2023, tình hình phát triển kinh tế của Thành phố gặp khó khăn. GRDP trên địa bàn ước tăng 0,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,7%; doanh thu du lịch tăng 77,2% so với cùng kỳ. Thành phố thu hút được gần 498 triệu USD vốn FDI, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,08%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 124.796 nghìn tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm…

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sụt giảm. Tốc độ tăng trưởng chậm dần, dẫn đến vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước có phần giảm sút; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập; quy hoạch, quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện...

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Kiến nghị Chính phủ thành lập Tổ công tác nghiên cứu cơ chế phát triển đột phá Tp.HCM tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tp.HCM: Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 2% trong quý 1/2023
Quý 1/2023, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Tp.HCM ước đạt 360.600 tỷ đồng, tăng 0,7% so cùng kỳ năm 2022; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 124.700 tỷ đồng, đạt 26% dự toán năm. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết 24/3 chỉ đạt 2% tổng số vốn giao.
Kích cầu du lịch thông qua Ngày hội Du lịch Tp.HCM năm 2023
Với chuỗi hoạt động khá dày đặc, Ngày hội Du lịch Tp.HCM năm 2023 kỳ vọng sẽ kích cầu du lịch nội địa trong dịp hè 2023, tạo điều kiện cho các địa phương và doanh nghiệp tiếp cận và giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch đến du khách.