Lộ trình cải cách thuế sử dụng đất

26/08/2022, 07:12
báo nói -

TCDN - Những việc phải làm để đổi mới sắc thuế sử dụng đất nhiều lắm, phải nghiên cứu kỹ để đề ra một lộ trình phù hợp.

Bức tranh chung về tỷ lệ đánh thuế

Theo lý luận về phát triển, các nước trên thế giới đều cho rằng “tỷ lệ thuế tài sản trên GDP” của mỗi nước là một chỉ số đánh giá mức độ phát triển. Tại nhóm các nước G7, chỉ số này trung bình là 2,5%. Tại nhóm các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), chỉ số này trung bình là 1,9%. Tại nhóm các nước phát triển trung bình thuộc khối ASEAN, chỉ số này trung bình là 0,3%.

Trong khi đó, Việt Nam có chỉ số này là 0,034%, thấp hơn khoảng 10 lần so với nhóm trung bình của ASEAN (Indonesia, Thái Lan, Philippines), thấp hơn khoảng 50 lần so với các nước thuộc nhóm OECD, và thấp hơn khoảng 75 lần so với các nước thuộc nhóm G7. Điều này cho thấy thuế sử dụng đất, thuế đối với các tài sản gắn liền ở Việt Nam quá thấp.

Mặt khác, thu nhập của người lao động ở Việt Nam cũng quá thấp so với các nước ngay trong khu vực ASEAN, đồng lương không hề có phần chi phí cho chỗ ở. Việc tăng thuế ngay lên mức cao sẽ tạo nên những bức xúc xã hội khó giải quyết. Nhưng thực tế cũng ghi nhận có nhóm người giàu lên rất nhanh từ kinh doanh bất động sản, đặc biệt là đầu cơ bất động sản. Tình trạng đầu cơ như vậy làm hạn chế hiệu quả phát triển kinh tế và tạo nên khoảng cách quá xa giữa nhóm rất nhỏ giàu có và nhóm rất lớn còn thiếu thốn.

Cần xây dựng Luật Thuế sử dụng đất bao gồm cả đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, song hành với Luật Đất đai. (Ảnh: H.P)

Cần xây dựng Luật Thuế sử dụng đất bao gồm cả đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, song hành với Luật Đất đai. (Ảnh: H.P)

Nói chung, nhiều doanh nghiệp lớn, nhiều nhà giàu đều không quan tâm gì đáng kể tới sắc thuế bất động sản. Lấy ví dụ như một thửa đất ở diện tích 100 mét vuông tại trung tâm Hà Nội có giá khoảng 150 triệu đồng/mét vuông theo bảng giá đất của Nhà nước chỉ phải nộp thuế hàng năm khoảng 4,5 triệu đồng, không đáng kể so với lợi nhuận thu được khi cho thuê thửa đất này. Nếu tính theo giá thị trường khoảng 600 triệu đồng/mét vuông thì thuế lên tới 18 triệu đồng mỗi năm. Mức này vẫn không đáng kể so với các nhà giàu, nhưng rất đáng kể đối với rất nhiều hộ gia đình đang có thu nhập từ mức trung bình trở xuống.

Lấy thuế sử dụng đất điều chỉnh nghĩa vụ tài chính khi sử dụng đất

Theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, chủ trương cải cách thuế sử dụng đất đã được đặt ra với mục tiêu đánh thuế cao vào những trường hợp đầu cơ đất đai, có đất nhưng không đưa vào sử dụng, để đất hoang hóa và miễn giảm thuế đối với các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và những vùng phải đảm nhận nhiệm vụ sản xuất vì mục tiêu xã hội như an ninh lương thực, bảo vệ rừng…

Cách đánh thuế có liên quan mật thiết tới nghĩa vụ tài chính khi sử dụng đất. Ở Việt Nam, hệ thống quản lý đất đai quá phức tạp. Đất ở được sử dụng vô thời hạn, thuế lại thấp nên kích thích nhà giàu đầu cơ đất ở để sinh lợi, những người thu nhập thấp thuộc diện đa số khó kiếm được nhà ở cho mình.

Cung nhà ở phục vụ chủ yếu cho cầu đầu cơ, cung thật không thể cân đối với cầu ảo, làm cho giá nhà đất sốt rồi đóng băng rồi lại sốt thường xuyên. Tình hình thuê đất trả tiền một lần cũng tương tự như vậy, chỉ có điều mức độ đầu cơ thấp hơn.

Theo phép tính về giá mua lâu dài quyền sử dụng đất bằng khoảng tiền thuê đất trả tiền một lần với thời hạn khoảng 50-70 năm tùy theo loại đất. Vậy chỉ cần tính thuế đối với đất ở lâu dài và đất thuê trả tiền một lần sao cho tương đương với thuê đất trả tiền hàng năm là ổn cả. Tức là thuế sử dụng đất sẽ điều chỉnh nghĩa vụ tài chính khi sử dụng đất, đơn giản hơn nhiều so với quản lý bằng hành chính. Khi đó, người sử dụng đất có quyền lựa chọn cách trả tiền cho phù hợp với hoàn cảnh riêng của từng người.

Các nước công nghiệp họ không coi thu tiền khi nhà nước giao đất, cho thuê đất làm trọng mà người ta coi thu từ thuế sử dụng đất và thu từ giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư trên đất mang lại làm trọng. Có như vậy mới thu hút được đầu tư sử dụng đất có hiệu quả do tiếp cận đất đai dễ dàng và với giá thành hạ.

Phân biệt hai loại thuế

Trên thực tế, có hai đối tượng cần xem xét khi xây dựng các sắc thuế là đất đai và tài sản đầu tư trên đất (nhà ở và các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh). Sự thực, mục tiêu và cách đánh thuế vào hai đối tượng này là hoàn toàn khác nhau.

Đối với sử dụng đất, thuế được coi là nghĩa vụ chi trả của người thu lợi từ sử dụng đất cho những người không được sử dụng đất, giống như việc đóng góp cho cộng đồng khi quỹ đất đai có hạn.

Đối với tài sản gắn liền với đất, tài sản đó do người sử dụng đất tạo ra bằng tiền của mình khi đã trả thuế sử dụng đất. Về nguyên tắc, tài sản trên đất không cần nộp thuế. Nhưng các nước công nghiệp phát triển có đưa ra lý luận rằng nhà ở là dấu hiệu thể hiện cư dân sinh sống tại khu dân cư nào đó, các cư dân phải đóng góp để phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng tại nơi ở. Sự đóng góp này thể hiện bằng hình thức thuế nhà ở.

Đối với các tài sản phục vụ sản xuất, kinh doanh thường không thu thuế nhằm phát triển kinh tế, và các quốc gia chỉ tính thuế khi công trình không được sử dụng, để hoang hóa hoặc sản xuất kinh doanh không đạt hiệu quả theo định mức. Cũng có quốc gia lồng loại thuế này vào thuế đất.

Cần chuẩn bị điều kiện gì?

Một trong những điều kiện cần để thực hiện đánh thuế là hệ thống hồ sơ địa chính và mức kết nối giữa hồ sơ địa chính do Bộ Tài nguyên và Môi trường phụ trách và hồ sơ thuế do Bộ Tài chính phụ trách.

Hiện nay, nước ta chưa đạt được yêu cầu chuyển đổi số nên vẫn phải giao cho tổ trưởng tổ dân phố ở đô thị và trưởng thôn bản ở nông thôn đến từng nhà thu thuế bằng sổ viết tay. Trông cảnh ấy mà không biết cải cách đến bao giờ mới thành. Vậy điều kiện cần tối thiểu là phải hoàn chỉnh hồ sơ địa chính số hóa, kết nối được hồ sơ này với hồ sơ thuế cũng đã số hóa, và hai hệ thống hồ sơ này phải phủ trùm cả nước.

Đây mới nói về đánh thuế đồng loạt, nếu cần đánh thuế cao vào đầu cơ thì còn cần minh bạch tài sản bất động sản, có cơ chế tìm ra được những người đứng tên hộ và yêu cầu giải trình nguồn gốc đồng tiền mua bất động sản đó. Con đường thuế chống đầu cơ đầy gập ghềnh, gian nan, không biết năm nào mới với tới được.

Phác thảo lộ trình cải cách thuế

Như vậy, thực hiện chủ trương của Đảng, nghiên cứu kỹ lưỡng hoàn cảnh kinh tế – xã hội của Việt Nam và xem xét áp dụng các thông lệ tốt quốc tế, chúng ta có thể đề xuất một lộ trình đánh thuế thật hợp lý để đạt mục tiêu nền kinh tế nước ta có thu nhập cao. Một số giải pháp đã được xem xét đến trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ngoài ra, cần xây dựng Luật Thuế sử dụng đất bao gồm cả đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, song hành với Luật Đất đai.

Những việc phải làm để đổi mới sắc thuế sử dụng đất nhiều lắm, phải nghiên cứu kỹ để đề ra một lộ trình phù hợp.

Thứ nhất, Luật Đất đai sửa đổi phải đưa ngay vào định nghĩa giá trị thị trường của quyền sử dụng đất và giải pháp xây dựng bảng giá đất phù hợp giá trị thị trường, trong đó có cải cách thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất sao cho giá thị trường thực được ghi nhận trên các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất.

Thứ hai, xây dựng hệ thống tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất ở có thu tiền, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần và cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm sao cho nghĩa vụ tài chính kể cả thuế tương đương nhau và cho phép người được giao đất, thuê đất được quyền lựa chọn theo hoàn cảnh riêng của mình.

Từ đó cho thấy thuế đối với trường hợp được sử dụng đất vô thời hạn, được sử dụng đất có thời hạn trả tiền một lần và sử dụng đất có thời hạn trả tiền hàng năm. Đây là cách sử dụng công cụ thuế làm giảm bớt công việc của bộ máy hành chính.

Thứ ba, dự thảo Luật Thuế sử dụng đất thống nhất bao gồm cả đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp trên nguyên tắc có thuế suất cơ bản tăng cao dần trong vòng 25 năm để khả năng chi trả thuế và thu nhập của người lao động tương đương với Thái Lan.

Sau giai đoạn này, chúng ta mới có thể tính đến đánh thuế cao vào những trường hợp đầu cơ đất đai, đánh thuế vào nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất. Điều này có nghĩa là trước mắt chưa nên và cũng là chưa thể đánh thuế vào nhà ở và các tài sản đầu tư trên đất.

Thứ tư, không nhất thiết phải đánh thuế lũy tiến khi hệ thống quản lý chưa đáp ứng được điều kiện cần. Chỉ nên quy về ba mức cơ bản: một là đất được sử dụng đạt hiệu quả; hai là đất để hoang hóa, không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng hiệu quả thấp; ba là những trường hợp được miễn, giảm thuế.

Thứ năm, trong giai đoạn hiện nay, tích cực thực hiện chuyển đổi số để hiện đại hóa hệ thống hành chính đất đai, hành chính thuế và kết nối mạng hành chính. Đồng thời nghiên cứu về các giải pháp minh bạch để phát hiện các trường hợp đầu cơ đất đai, giải pháp đánh thuế vào tài sản gắn liền với đất để sau 25 năm nữa có thể đủ điều kiện thực hiện.

Hiện nay, chủ yếu mới bàn về xây dựng Luật Đất đai sửa đổi. Nghị quyết 18-NQ/TW có đặt ra yêu cầu sửa đổi các luật có liên quan để tạo tính đồng bộ với Luật Đất đai. Ngay từ khi xây dựng Luật Đất đai 2003, rất nhiều ý kiến đề nghị sửa đồng thời các luật thuế có liên quan đến đất, nhưng không làm được. Tôi vẫn có cảm giác “đồng sàng dị mộng” trong khối pháp luật động chạm đến đất đai.

Đặng Hùng Võ

Theo Kinh tế Sài Gòn
Bạn đang đọc bài viết Lộ trình cải cách thuế sử dụng đất tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Lấy ý kiến xây dựng luật thuế tài sản, đánh thuế nhà
Bộ Tài chính đề nghị bộ, ngành, địa phương cho ý kiến về các nội dung như có đề xuất có gộp Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hay không, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản.