Mức thuế tối thiểu đối với các tỷ phú - mối bận tâm của các quốc gia G20
TCDN - Chuyên gia cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức thuế tối thiểu 2% hàng năm đối với khoảng 3.000 cá nhân có tài sản ít nhất 1 tỷ USD có thể huy động được khoảng 250 tỷ USD mỗi năm.
Mức thuế tối thiểu đối với các tỷ phú có thể sẽ thu hút được sự chú ý rộng rãi hơn trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khi họ hiểu rõ về đề xuất này, nhà kinh tế người Pháp Gabriel Zucman thuộc Cơ quan quan sát thuế độc lập của Liên minh châu Âu (EU) vừa cho biết.
Chuyên gia Zucman, người kiến tạo đề xuất này, đang chuẩn bị một báo cáo cho các Bộ trưởng Tài chính G20 vào tháng 7/2023 theo yêu cầu của Brazil, quốc gia chủ trì các cuộc họp năm nay.
Ông tỏ ra lạc quan về ý tưởng tiến bộ được Brazil trình bày chỉ ba tháng trước.
Pháp, Tây Ban Nha, Colombia, Bỉ và Liên minh châu Phi đã bày tỏ sự ủng hộ cho ý tưởng này, cùng với Nam Phi, quốc gia sẽ đảm nhận chức Chủ tịch G20 vào năm tới.
Ông Zucman cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức thuế tối thiểu 2% hàng năm đối với khoảng 3.000 cá nhân có tài sản ít nhất 1 tỷ USD có thể huy động được khoảng 250 tỷ USD mỗi năm.
Báo cáo G20 của ông sẽ bao gồm các mức thuế khác hoặc cơ sở đóng góp rộng hơn, chẳng hạn như khối tài sản trên 100 triệu USD.
Ông Zucman cũng đề xuất một hệ thống tương tự như mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với lợi nhuận của các công ty đa quốc gia, cho phép Chính phủ đánh thuế thêm đối với những công ty từ các quốc gia không tham gia.
Theo Wall Street Journal, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong tuần này đã bác bỏ ý tưởng về một thỏa thuận toàn cầu nhằm đánh thuế các tỷ phú và phân phối lại số tiền thu được.
Tuy nhiên, ông Zucman cho biết ông vẫn hy vọng Mỹ sẽ thay đổi quan điểm, đồng thời lưu ý rằng Bộ trưởng Yellen đã đặc biệt bác bỏ ý tưởng về việc phân phối lại của cải trên toàn cầu, vốn không phải là trọng tâm trong đề xuất của ông.
Ông nói: “Điều đang được thảo luận là tạo ra một tiêu chuẩn chung về mức thuế tối thiểu đối với người siêu giàu.”.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899