Nền kinh tế thực không lao đao vì sự sụp đổ của thị trường tiền ảo
TCDN - Do không có liên kết với nền tài chính truyền thông, làn sóng sụp đổ gần đây của thị trường tiền ảo không tạo ra tác động đủ lớn để nền kinh tế thực lao đao.
Trong năm vừa qua, thị trường tiền ảo chứng kiến sự sụp đổ của nhiều cái tên lớn như hệ sinh thái Terraform Labs với LUNA, FTX, BlockFi thổi bay hàng nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường.
Xem lại những cú sập "đau đớn" ấy, người ta mới nhận ra tất cả đều hội tự dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng ngân hàng cổ điển: rút tiền, bán tháo và khủng hoảng dây chuyền, theo The Wall Street Journal.
Song những công ty tiền ảo không có sự hỗ trợ của ngân hàng. Theo hồ sơ phá sản của các nền tảng tiền điện tử như Voyager Digital Holdings, Celsius Network, FTX Trading và quỹ Three Arrows Capital, không ngân hàng nào xuất hiện trong danh sách các chủ nợ lớn nhất của những tổ chức tiền số này. Thay vào đó, khách hàng và các công ty tiền điện tử khác mới là những chủ nợ lớn nhất.
Như vậy, các công ty tiền điện tử hoạt động trong một vòng khép kín, kết nối với nhau trong vòng đó và có rất ít mối quan hệ với ngành tài chính truyền thống. Do đó, khi một thị trường tiền ảo 3.000 tỷ USD mất 72% giá trị và khiến nhiều tổ chức tiền số phá sản, hệ thống tài chính truyền thống không chịu ảnh hưởng xấu.
“Phần lớn thị trường tiền ảo nằm trong một vòng lặp,” nhà kinh tế Gary Gorton của Đại học Yale và giáo sư luật Jeffery Zhang của Đại học Michigan lập luận.
“Sau khi các ngân hàng tiền điện tử nhận tiền gửi từ các nhà đầu tư, các công ty này sẽ vay, cho vay và thậm chí là tự giao dịch với chính họ. Họ không tương tác với các công ty kết nối với nền kinh tế", Gorton và Zhang nhận định.
Theo chuyên gia, tiền điện tử từ lâu đã được hô hào như một giải pháp thay thế ngành tài chính, ngân hàng truyền thống, với khả năng không bị kiểm soát, ẩn danh, dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, hệ sinh thái mọc lên như nấm của thị trường này trông rất giống hệ thống ngân hàng: chấp nhận tiền gửi và cho vay.
“Nếu một thực thể tham gia vào hoạt động vay và cho vay, thì về mặt kinh tế, điều đó tương đương với một ngân hàng ngay cả khi họ phủ nhận", chuyên gia viết. Tương tự hệ thống ngân hàng, tiền điện tử được sử dụng đòn bẩy và có sự kết nối với nhau, do đó dễ bị suy yếu và có phản ứng dây chuyền.
Hồi tháng 5, LUNA của Terraform Labs mở đầu cho làn sóng sụp đổ kéo theo công ty cho vay Celsius và quỹ phòng hộ Three Arrows phá sản. Một công ty tiền điện tử khác là Voyager cũng đã nộp đơn xin phá sản sau sự kiện này. Mới đây, thị trường tiền ảo tiếp tục dậy sóng sau khi FTX phải nộp đơn bảo hộ phá sản, kéo theo BlockFi và Genesis phải chịu tác động.
Nhìn lại lịch sử, chuỗi sụp đổ của tiền điện tử gợi nhớ đến kỷ nguyên ngân hàng tự do trong giai đoạn 1837 - 1863 khi các ngân hàng được phát hành tiền giấy của chính họ, kéo theo lừa đảo gia tăng và tình trạng hoảng loạn xảy ra do làn sóng rút tiền lan rộng.
Tuy nhiên, có thể những cuộc khủng hoảng đó gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế thì những thông tin tiêu cực về thị trường tiền điện tử không tạo ra nhiều tác động đối với nền kinh tế.
Có thể, các nhà đầu tư từ cá nhân đến quỹ đầu tư mạo hiểm phải chịu cảnh thua lỗ, mất trắng nhưng điều này không có khả năng đe dọa đến hoạt động thanh toán của các tổ chức cho vay lớn cũng như sự ổn định của hệ thống tài chính, dẫu cho một số ngân hàng có thể bị ảnh hưởng ít nhiều do hỗ trợ các công ty tiền điện tử dịch vụ lưu ký và thanh toán cũng như giữ tiền mặt thay họ.
Theo nhận định của WSJ, ngành tài chính truyền thống có rất ít động cơ để xây dựng các kết nối với tiền điện tử do tiền điện tử không đóng vai trò gì trong nền kinh tế thực.
Tiền điện tử gần như không được chấp nhận là phương tiện thanh toán và khả năng ưu việt duy nhất của nó chỉ là truy xuất nguồn gốc, phục vụ chống rửa tiền và mã độc. Các định nghĩa về stablecoin hay tài chính phi tập trung chủ yếu tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu cơ vào tiền điện tử hơn là hoạt động kinh tế hữu ích.
Những tai tiếng của tiền điện tử đã khiến các nhà đầu tư tài chính nổi tiếng như Warren Buffett và Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon càng có lý do để không ủng hộ. Bên cạnh đó, thực trạng này khiến các nhà quản lý lo lắng về sự tham gia của ngân hàng.
Tờ WSJ nhận định việc tiền điện tử đang tạo ra rất nhiều lợi nhuận cho các nhà đầu cơ và hệ sinh thái hỗ trợ riêng có thể hấp dẫn ngành ngân hàng. Một số ngân hàng đã đầu tư vốn cổ phần tư nhân vào các công ty tiền điện tử và nhiều ngân hàng bao gồm cả J.P. Morgan đang đầu tư vào chuỗi khối - công nghệ Blockchain đang làm nền tảng cho tiền điện tử.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899