Nhà hàng Bình Xuyên “xây lụi”, liệu Tp.HCM có “ưu tiên” hợp thức hoá sai phạm?
TCDN - Lấn chiếm đất rạch, tự ý chuyển đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm sang đất thương mại dịch vụ để kinh doanh khu ẩm thực nhưng khi cơ quan chức năng xử lý thì chủ sử dụng đất nhà hàng Bình Xuyên lại xin cho tồn tại công trình.
Nhà hàng Bình Xuyên rộng 25.000m2 xây lụi gần 20 năm
Thời gian qua, huyện Bình Chánh được xem là “điểm nóng” về tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng của Tp.HCM. Nhiều trường hợp vi phạm suốt thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm, gây bức xúc cho người dân.
Một trong số đó là khu ẩm thực Bình Xuyên (số C3/18 ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) do ông Trần Duy Nhã làm chủ. Khu ẩm thực có quy mô gần 25.000m2 này được xác định có nhiều vi phạm đất đai từ năm 2003 đến nay.
Theo báo cáo của huyện Bình Chánh gửi Thanh tra Sở TN&MT (tháng 6/2020), ông Trần Duy Nhã (chủ nhà hàng Bình Xuyên) đã vi phạm ba điều.
Thứ nhất là chiếm đất phi nông nghiệp (đất rạch) ở khu vực nông thôn tại vị trí phần rạch cạnh các thửa 17, 19, 20, 37, 38, 39, 40, 41 trên tờ bản đồ 03, tổng diện tích vi phạm là 4 844 m2. Hiện trạng diện tích đất này đã được san lấp và làm ao câu cá, bồn cây cảnh, sân xi măng và lối đi bộ hành.
Thứ hai, chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép với tổng diện tích vi phạm là 13 568,1 m2.
Thứ ba là vi phạm chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Tổng diện tích vi phạm là 6 444,9 m2.
Sau khi có kết luận của Thanh tra Tp.HCM, chính quyền huyện Bình Chánh đã đến kiểm tra và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với số tiền là 210 triệu đồng, đối với ba hành vi vi phạm về trật tự xây dựng; sử dụng không đúng mục đích được cấp phép; không phù hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng và tự ý thay đổi mục đích chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất để thực hiện đầu tư thương mại, dịch vụ.
Bên cạnh đó, buộc chủ nhà hàng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại đất lấn chiếm. Đồng thời, xem xét buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm mà có.
Ngoài ra theo báo cáo của UBND xã Bình Hưng cho biết khu đất làng ẩm thực Bình Xuyên trước đây thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Võ Văn Dìa, Võ Văn On, Nguyễn Văn Lợi, một phần rạch... và một phần 2.322 m2 thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Nhã.
Cũng theo báo cáo này, việc sử dụng đất tiến hành xây dựng các công trình sai phạm kéo dài từ lâu, qua nhiều thời kỳ từ năm 2003 đến thời điểm thanh tra tháng 3/2020 (là khoảng 17 năm). Hiện còn tồn tại các công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất ao, đất rạch nhưng huyện Bình Chánh, Thanh tra Sở Xây dựng và xã Bình Hưng chưa xử lý dứt điểm các công trình vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Xin hợp thức hoá sai phạm… vì nhiều giấy khen?
Sau khi Thanh tra Tp.HCM công bố việc khu ẩm thực Bình Xuyên rộng gần 25.000 m2 tự ý chuyển thành đất thương mại từ đất nông nghiệp, đất ao, đất rạch, chủ cơ sở này và các hộ dân cho thuê đất đã có đơn “xin cứu xét” gửi UBND Tp.HCM, UBND huyện Bình Chánh để xin được tồn tại.
Theo ông Trần Duy Nhã (chủ nhà hàng Bình Xuyên), khu đất này nằm trong khu quy hoạch Làng đại học do Công ty Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, dự án này đã “treo” 28 năm nay mà chưa được thực hiện. Nhận thấy, nếu để không khu đất trong thời gian dài sẽ phát sinh nhiều tiêu cực, trở thành bãi rác công cộng gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên đất, nên ông đã thuê khu đất này rồi cải tạo thành khu ẩm thực sinh thái phục vụ cho người dân địa phương, với tâm niệm vừa phát triển kinh doanh, vừa góp phần tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương.
Liên quan đến việc này, chủ đất, ông On kiến nghị: “Đất chúng tôi không như những người khác phân lô bán nền. Gia đình tôi luôn tuân thủ quy định của Nhà nước chờ được đền bù, để làm các dự án có lợi cho xã hội, cho đất nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn là quy hoạch treo, dự án chưa được triển khai, đất chưa được đền bù nên kính mong các vị lãnh đạo xem xét và giúp đỡ gia đình chúng tôi cho công trình được tồn tại đến khi thực hiện dự án”.
Ngoài ra, ông Trần Duy Nhã, chủ quán Bình Xuyên, cũng cho biết nhà hàng Bình Xuyên đang giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, phần lớn là những người địa phương có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, vào làm các công việc như: bảo vệ, tạp vụ, chăm sóc cây cảnh, làm bếp, phục vụ... Mỗi năm, quán đóng thuế nộp ngân sách nhà nước đầy đủ, được nhiều giấy khen từ địa phương đến thành phố và Trung ương.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh cho biết, huyện đã báo cáo vụ việc xử lý vi phạm đất đai tại khu ẩm thực Bình Xuyên đến UBND Tp.HCM và quan điểm của địa phương là thực hiện theo chỉ đạo của Thành phố.
Liên quan đến việc xử lý các trường hợp xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng tại huyện Bình Chánh, ngày 7/9/2020 UBND Tp.HCM chỉ đạo UBND huyện chủ trì, phối hợp cùng các sở ngành liên quan thành lập tổ công tác. Tổ công tác này có chức năng xử lý các nội dung liên quan và thực hiện cưỡng chế các công trình vi phạm về đất đai, xây dựng có tính chất phức tạp, trọng điểm ở huyện Bình Chánh.
UBND Tp.HCM giao Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị thực hiện áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, biện pháp ngăn chặn, xử lý nhanh đối với công trình vi phạm đất đai, xây dựng sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua.
Liệu quy định pháp luật hiện hành có cho phép làm điều này? Nếu nhà hàng Bình Xuyên tồn tại, thì hàng nghìn công trình sai phạm khác sẽ xin được tồn tại. Nguy cơ Tp.HCM sẽ bị phá nát quy hoạch bởi những công trình như vậy.
Vậy bao giờ sai phạm tại nhà hàng Bình Xuyên được xử lý đến nơi đến chốn, đúng theo quy định pháp luật? Bởi đến nay đã nhiều tháng kể từ ngày báo cáo Thanh tra sai phạm trong quản lý đất đai tại huyện Bình Chánh được công bố, nhưng nhà hàng Bình Xuyên vẫn tồn tại, thách thử mọi quy định của pháp luật.
Ngày 25/7/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Tp.HCM đã ban hành Chỉ thị 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Đây là Chỉ thị rất quan trọng để các cấp triển khai thực hiện.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, trật tự xây dựng là vấn đề “nhức nhối” được nhân dân và dư luận rất quan tâm. Nếu giải quyết tốt việc lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, không chỉ góp phần để thành phố phát triển tốt hơn, đẹp hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao hơn theo đúng quy hoạch phát triển mà còn góp phần đảm bảo an ninh, trật tự.
Theo đó, chỉ thị 23-CT/TU đã “ăn” sâu vào nhiều địa phương. Công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng nhiều địa phương có bước tiến triển. Nhiều quận, huyện giảm, xử lý mạnh tay với tình trạng xây dựng không phép. Riêng việc xây lụi tại nhà hàng Bình Xuyên, chờ xem UBND huyện Bình Chánh có làm đúng theo chỉ thị 23 hay phớt lờ.
Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin trong các bài tiếp theo.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899