Nhận diện các hình thức gian lận doanh thu trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa

24/04/2025, 13:08

TCDN - Việc gian lận doanh thu trong báo cáo tài chính thường hướng đến việc tăng lợi nhuận, giấu đi thông tin “xấu” để tạo ra một bức tranh hoàn hảo về doanh nghiệp nhằm làm đẹp số liệu trên các báo cáo từ đó thuyết phục, thương lượng các nhà đầu tư, cán bộ tín dụng, đối tác thực hiện các giao dịch.

Tóm tắt:

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc gian lận doanh thu trong báo cáo tài chính thường hướng đến việc tăng lợi nhuận, giấu đi thông tin “xấu” để tạo ra một bức tranh hoàn hảo về doanh nghiệp nhằm làm đẹp số liệu trên các báo cáo từ đó thuyết phục, thương lượng các nhà đầu tư, cán bộ tín dụng, đối tác thực hiện các giao dịch có lợi cho doanh nghiệp... Gian lận doanh thu dẫn đến cái nhìn không chính xác về hoạt động và tiềm năng của doanh nghiệp, từ đó có thể đưa ra những quyết định sai lầm trong đầu tư và tài trợ.

1. Phân biệt ghi nhận sai và gian lận doanh thu

Đề cập đến gian lận trong báo cáo tài chính, có rất ít vấn đề được khám phá và chia sẻ, mặc dù các câu hỏi về độ xác thực của các số liệu luôn được đặt ra. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế với nhiều biến động như hiện nay, gian lận trong báo cáo tài chính vẫn đang diễn ra nhanh và nhiều với các hình thức tinh vi hơn, phức tạp hơn đặc biệt là các gian lận liên quan đến doanh thu.

Khi phát hiện ra một lỗi sai trên báo cáo tài chính, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân lỗi để đánh giá mức độ nghiêm trọng của lỗi sai đó và điều chỉnh báo cáo tài chính. Việc quan trọng luôn phải xem xét lỗi sai này có bản chất là gian lận hay sai sót để đánh giá mức độ trọng yếu. Gian lận là khi tìm thấy bằng chứng chứng minh tính “cố ý” của hành động trong lỗi sai. Chỉ được coi là sai sót khi tìm thấy bằng chứng mang tính “vô ý” của tác nhân. Tuy nhiên, ranh giới giữa sai sót và gian lận đôi khi vô cùng mong manh. Vậy gian lận doanh thu xảy ra như thế nào? Để ghi nhận doanh thu đúng và đủ cần phải có các điều kiện gì? Làm thế nào để nhận diện các hình thức gian lận doanh thu trong báo cáo tài chính và xử lý?

Gian lận trong ghi nhận doanh thu bao gồm cả ghi nhận khống hoặc ghi nhận khi chưa đủ điều kiện ghi nhận, là những gian lận phổ biến trong quản trị lợi nhuận. Việc ghi nhận khống doanh thu có nghĩa là ghi nhận một doanh thu không có thật (không phát sinh).

Khi phát hiện ra một lỗi sai trên báo cáo tài chính, đặc biệt là sai sót ghi nhận doanh thu trong một cuộc kiểm tra thuế hay kiểm toán, doanh nghiệp chắc chắn phải chịu trách nhiệm cho việc đánh giá lỗi sai đó để điều chỉnh báo cáo tài chính hoặc sẽ bị phát sinh các nghĩa vụ đối với ngân sách (bị truy thu thuế, bị phạt vi phạm trong lĩnh vực thuế, phạt chậm nộp,…). Một điều rất quan trọng cần xem xét lỗi sai này có phải là bản chất, là gian lận hay sai sót để đánh giá mức độ trọng yếu. Gian lận là khi cán bộ kiểm tra, kiểm toán viên tìm thấy bằng chứng chứng minh tính “cố ý” của hành động trong lỗi sai; trong khi đó sẽ được coi là sai sót là khi tìm thấy bằng chứng mang tính “vô ý” của tác nhân. Tuy nhiên, ranh giới giữa sai sót và gian lận đôi khi vô cùng mong manh.

2. Các điều kiện đủ để ghi nhận doanh thu

Theo quy định tại khoản 1.1 Điều 57 thông tư 133/2016 về tài khoản 511 và theo chuẩn mực số 14 về Doanh thu và thu nhập khác được ban hành trong Quyết định số 149/2021/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ tài chính quy định điều kiện ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ áp dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ như sau:

- Doanh nghiệp đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hóa cho người mua;

- Doanh nghiệp không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hàng hóa hoặc quyền kiểm soát hàng hóa;

- Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn. Khi hợp đồng quy định người mua được quyền trả lại sản phẩm, hàng hoá đã mua theo những điều kiện cụ thể thì doanh nghiệp chỉ được ghi nhận doanh thu khi những điều kiện cụ thể đó không tồn tại;

- Doanh nghiệp đã thu hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng;

- Xác định được chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.

Tuy nhiên doanh nghiệp cố tình bỏ qua tiêu chuẩn này để ghi nhận khống (doanh thu không có thật) hoặc ghi nhận khi chưa đủ điều kiện để xác định và ghi nhận doanh thu. Việc ghi nhận sai doanh thu sẽ làm cho quá trình phân tích đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp không chính xác, bóp méo các số liệu và có thể ảnh hưởng đến các nghĩa vụ phải nộp đối với ngân sách.

3. Các hình thức gian lận doanh thu phổ biến thường gặp

Hợp đồng bán hàng có kèm thêm phụ lục hợp đồng Trong quá trình ký kết hợp đồng bán hàng hoá cho phép các bên được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hiệu chỉnh hợp đồng liên quan đến bán hàng. Các doanh nghiệp thường ký với nhau các điều khoản hợp đồng ban đầu, gọi là hợp đồng nguyên tắc, rồi ký thêm phụ lục hợp đồng để sửa đổi những thỏa thuận ban đầu đó (nếu có). Thông thường trong phụ lục hợp đồng sẽ quy định thêm về các điều khoản liên quan đến:

·        Đổi trả hàng vô điều kiện;

·        Hủy mua hàng bất kỳ lúc nào;

·        Quyền tiếp tục thương thảo;

·        Kéo dài thời gian chi trả, thanh toán.

Cho phép người mua được quyền tự do đổi trả hàng hoá và hoàn lại tiềnDoanh thu trong một vài trường hợp vẫn được phép ghi nhận trong cả trường hợp khách hàng có quyền trả lại hàng hóa đã mua. Vì thế, hầu hết các doanh nghiệp đều cho phép khách hàng trả lại hàng hóa cho người bán với những lý do hợp lý như hư hỏng, lỗi thời.

Lợi dụng điều này, doanh nghiệp cố tình thiết lập các chính sách kế toán hoặc các thỏa thuận bán hàng nới lỏng để gia tăng doanh thu trong kỳ hiện tại, ghi nhận doanh thu kể cả trong trường hợp không đủ điều kiện ghi nhận doanh thu:

· Không ấn định giá bán cụ thể hoặc có điều khoản thoả thuận giá cho từng lần giao dịch;

· Cho phép khách hàng có quyền lợi đổi trả tự do trong mọi trường hợp;

· Điều khoản trên hợp đồng về thời hạn thanh toán không rõ ràng (thời hạn thanh toán kéo dài bất thường: 3 năm, 5 năm…).

Việc doanh nghiệp ký thêm phụ lục có các điều khoản bên mua được phép đổi trả hàng vô điều kiện, hủy mua hàng bất cứ lúc nào, kéo dài thời gian chi trả thay vì trước kia được chậm trả 30 ngày thì nếu mua hàng nhiều sẽ được chậm trả trong vòng 60 ngày và ngày trả nợ qua kỳ 31/12 của niên độ báo cáo tài chính.

Một số lĩnh vực kinh doanh và một số mặt hàng phụ thuộc mùa vụ có thể thấy rất rõ điều này. Khi đến cuối năm tài chính khi bị sức ép về doanh số thì các doanh nghiệp có thể đưa thêm các điều khoản trong hợp đồng để cho phép kích thích doanh thu tăng lên tại thời điểm đó. Doanh nghiệp cung cấp bánh kẹo, đồ uống vào dịp cuối năm, doanh nghiệp đưa ra chính sách là giảm giá thêm 15% cho tất cả các sản phẩm nếu các đại lý mua trước ngày 31/12, đồng thời được gia hạn nợ thêm 30 ngày đối với các khoản này.

Trong hợp đồng bán hàng doanh nghiệp cũng ký phụ lục cho phép các đại lý được đổi trả miễn phí số hàng không bán được trong vòng 6 tháng. Nhưng khi lập các báo cáo tài chính cuối năm thì doanh nghiệp không hề thuyết minh về giao dịch này nên người đọc không thể kiểm tra được sự chắc chắn của các khoản doanh thu này. Sau khi kết thúc thời hạn của phụ lục hàng hoá có thể bị trả lại vô điều kiện.

Chính vì vậy, để chắc chắn về doanh thu phát sinh cần phải kiểm tra xem các chi phí hỗ trợ cho việc bán hàng, cung ứng hàng hoá đến các đại lý như chi phí vận chuyển, hỗ trợ cơ sở vật chất cho đại lý có tăng bất thường vào cuối năm không? Hàng hóa có được chiết khấu sâu không? Rà soát các phụ lục hợp đồng xem có các điều khoản nào đổi trả hàng vô điều kiện không?

Trên cơ sở đó xem xét doanh thu có đủ điều kiện được ghi nhận hay không, trường hợp doanh nghiệp ký phụ lục đổi trả hàng vô điều kiện, giao dịch  này sẽ bị loại ra khỏi doanh thu của năm trừ những trường hợp khách hàng bị giới hạn quyền đổi trả hợp lý (hàng giao bị hỏng, bị lỗi do lỗi của phía người bán).

Khi thực hiện việc phân tích cần so sánh đối chiếu doanh thu, lợi nhuận kỳ này so với kỳ trước có bất thường không, tỷ lệ biên lợi nhuận gộp biến động như thế nào, theo dõi và kiểm tra qui trình hàng bị trả lại, số lượng hàng bị trả lại để so sánh với các kỳ báo cáo trước để tìm ra động cơ thực sự của giao dịch này.

Tạo ra doanh thu ảoMột trong nhưng phương pháp khá phổ biến được các doanh nghiệp sử dụng để cải thiện doanh thu, ghi tăng lợi nhuận cao hơn thực tế là tạo ra doanh thu ảo.  Doanh thu ảo được ghi nhận thông qua việc tạo ra các đơn đặt hàng không có thật, hư cấu cho những khách hàng hiện tại hoặc những khách hàng không có thực. Để hợp lý hóa phần nào những gian lận về ghi nhận doanh thu, doanh nghiệp tạo ra các hồ sơ khách hàng giả, những chứng từ đi kèm chứng minh thu nhập đã phát sinh, hàng hóa đã được chuyển giao hoặc dịch vụ đã được cung cấp.

Tăng thêm kênh phân phối“Tăng thêm kênh phân phối” là một trong những “mẹo” đưa ra nhằm tăng mức chiết khấu sâu, các điều khoản thanh toán có lợi cho khách hàng để lôi kéo khách hàng mua sản phẩm ngay trong kỳ hiện tại ngay cả khi khách hàng chưa có nhu cầu thực sự và chưa chuyển giao lợi ích cũng như rủi ro gắn liền với hàng hóa ở kỳ hiện tại.

Giao hàng sớm hơn so với dự tínhCác trường hợp giao sớm sản phẩm bao gồm:

· Giao sản phẩm chưa hoàn thành, bán thành phẩm cho khách hàng hoặc giao tại thời điểm mà khách hàng chưa sẵn sàng trong việc nhận hàng để ghi nhận doanh thu;

· Tham gia vào “soft sales” (giao cho khách hàng chưa đồng ý mua);

· Ghi nhận toàn bộ giá trị hợp đồng là doanh thu khi chưa bàn giao đầy đủ hàng hóa và dịch vụ;

· Ghi nhận toàn bộ tiền ứng trước từ khách hàng là doanh thu.

Để phát hiện ra các vấn đề kiểm toán viên cần thực hiện các thủ tục phân tích như sau:

· So sánh doanh thu bị trả lại giữa kỳ này với kỳ trước;

· So sánh chi phí giao hàng giữa kỳ này với kỳ trước.

Giao dịch Bill and holdĐây là trường hợp doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng, xử lý và sẵn sàng giao hàng cho khách nhưng vì một lý do nào đó khách hàng chưa sẵn sàng hoặc chưa có khả năng nhận hàng nên doanh nghiệp đẩy hàng sang nhà kho của một bên thứ ba cho đến khi khách hàng sẵn sàng nhận hàng. Doanh nghiệp cố tình ghi nhận doanh thu mặc dù chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu vì hàng hóa chưa được chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích.

Ghi nhận khống doanh thu với các bên liên quanCác bên được coi là liên quan nếu một bên có khả năng kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đáng kể đối với bên kia trong việc ra quyết định các chính sách tài chính và hoạt động.

Giao dịch với các bên liên quan luôn là một trong những vấn đề khó phát hiện khi kiểm toán báo cáo tài chính vì chúng thường bị giấu đi nhằm mục đích tư lợi cho doanh nghiệp. Lợi dụng điều này, thời điểm cuối năm các doanh nghiệp có ý muốn gian lận trong báo cáo sẽ tạo ra các giao dịch bán hàng khống với các bên liên quan. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể tạo ra doanh thu lớn bất thường vào thời điểm cuối năm qua đó làm tăng lợi nhuận và vốn chủ sở hữu.

Thông thường, các giao dịch sẽ là giao dịch bán hàng của công ty “mẹ” cho công ty “con” hoặc ngược lại. Bằng việc bán hàng với một mức lợi nhuận nhất định, công ty mẹ được ghi nhận một khoản lãi làm tăng lợi nhuận. Ngoài ra, công ty “mẹ” còn tiết kiệm được một khoản chi phí bán hàng nhất định như chi phí quảng cáo, vận chuyển và một số chi phí liên quan khác (phí quản lý, luật sư, bảo hiểm, …) không phát sinh khi bán cho bên liên quan. Qua đó, lợi nhuận công ty “mẹ” được tăng một cách đáng kể và số dư tài sản trên báo cáo tài chính hợp nhất sẽ tăng một khoản tương ứng với mức tăng lợi nhuận.

Thủ thuật này diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam vì giao dịch giữa các bên liên quan rất khó phát hiện nếu doanh nghiệp cố tình giấu nhẹm đi giữa hàng ngàn giao dịch bán hàng thông thường. Lợi nhuận, vốn chủ sở hữu và tài sản của doanh nghiệp trên báo cáo được ghi tăng một cách dễ dàng thông qua một hợp đồng bán hàng thông thường.

Khi tiềm năng xảy ra của gian lận tăng lên thì vai trò và trách nhiệm trong việc phát hiện, phân tích và báo cáo lại các gian lận & rủi ro của kiểm toán viên cũng tăng lên.

4. Kết luận

Việc nhận diện các hành vi, hình thức gian lận báo cáo tài chính (BCTC) là cần thiết để xây dựng và hoàn thiện một hệ thống tài chính minh bạch và đáng tin cậy, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. 

Để đảm bảo tính minh bạch và chất lượng thông tin tài chính, chúng ta cần triển khai các giải pháp sau đây:

Hoàn thiện hệ thống pháp lý và chính sáchCần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về kế toán, kiểm toán và công bố thông tin theo chuẩn mực quốc tế. Tăng cường chế tài xử phạt các hành vi gian lận doanh thu tại các doanh nghiệp.

Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sátNâng cao chất lượng BCTC thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát đầy đủ và thường xuyên. Yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp giải trình rõ ràng về BCTC, đặc biệt là về các vấn đề tiềm ẩn nguy cơ gian lận.

Tăng cường kiểm tra nội bộTập trung vào vai trò của kiểm toán nội bộ. Kiểm toán nội bộ không chỉ kiểm tra BCTC mà còn tham gia vào việc kiểm soát tài chính và đánh giá hiệu quả của các hoạt động doanh nghiệp. Khi hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động hiệu quả, khả năng ngăn ngừa gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ được cải thiện đáng kể.

Hướng dẫn về phát hiện gian lậnBan hành hướng dẫn chi tiết về thủ tục và cách thức phát hiện gian lận. Điều này giúp cho kiểm toán viên hiểu rõ gian lận và có khả năng phát hiện gian lận một cách hiệu quả. Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cần cung cấp hướng dẫn chi tiết để họ có thể đưa ra các xét đoán nghề nghiệp sắc bén và thực hiện cuộc kiểm toán một cách hiệu quả.

Cập nhật kiến thức chuyên mônĐối với kế toán viên, cần cập nhật kiến thức hàng năm về chế độ kế toán mới phù hợp với lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp. DN cần thiết lập chế độ khuyến khích và phạt rõ ràng để động viên kế toán viên nâng cao trình độ chuyên môn.

Tuân thủ chuẩn mực kiểm toánCác đơn vị kiểm toán và kiểm toán viên cần tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và quốc tế. Điều này đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong quá trình kiểm toán.

Tuyên truyền thông tin đến chủ doanh nghiệp

Việc tuyên truyền thông tin tài chính kế toán, quy định văn bản pháp luật về kế toán, thuế, tài chính đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là một trong những biện pháp giúp cải thiện nhận thức của bộ phận quản trị doanh nghiệp. Điều này giúp ngăn ngừa và giảm dần nguy cơ gian lận số liệu tài chính doanh nghiệp và các hành vi vi phạm trong quản lý tài chính – kế toán và thuế.

Tài liệu tham khảo:

1. https://sapp.edu.vn/bai-viet-acca/08-dang-gian-lan-doanh-thu-pho-bien-trong-doanh-nghiep/

2. https://tapchitaichinh.vn/nhan-dien-gian-lan-trong-bao-cao-tai-chinh-nhung-dau-hieu-chung.html

3. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Ke-toan-Kiem-toan/Quyet-dinh-149-2001-QD-BTC-bon-04-chuan-muc-ke-toan-Viet-Nam-dot-1-Hang-ton-khoTai-san-co-dinh-huu-hinh-vo-hinh-Doanh-thu-nhap-khac-48964.aspx

4. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Thong-tu-133-2016-TT-BTC-huong-dan-che-do-ke-toan-doanh-nghiep-nho-va-vua-284997.aspx

Th.S Nguyễn Thị Mai Linh

Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng

Tạp chí in số tháng 4/2025

Bạn đang đọc bài viết Nhận diện các hình thức gian lận doanh thu trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Novaland công bố báo cáo tài chính
Novaland công bố báo cáo tài chính năm 2024 với nhiều con số đáng chú ý, trong đó doanh thu thuần cả năm của công ty đạt 9.074 tỷ đồng.

x