Phó thủ tướng: Trạng thái "bình thường mới" sẽ tạo cơ hội và thách thức

22/12/2020, 13:26

TCDN - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Chính phủ sẽ tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động đón làn sóng đầu tư mới.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2020, diễn ra sáng ngày 22/12 với chủ đề “Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Chính phủ trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đối với quá trình nghiên cứu, tham mưu, hoạch định chính sách kinh tế; mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt để góp phần thực hiện thành công các chiến lược, kế hoạch phát triển giai đoạn tới.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Phạm Bình Minh cho hay, năm 2020 Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao độ, bằng mọi nỗ lực tập trung thực hiện cho được “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất có thể; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 có thể đạt 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.

“Việc kiến tạo môi trường thuận lợi để giúp cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi và vươn lên, lấy lại động lực phát triển trong trạng thái "bình thường mới" là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô năm nay”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Chính phủ tạo mọi điều kiện để đón làn sóng đầu tư mới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Chính phủ tạo mọi điều kiện để đón làn sóng đầu tư mới.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, để đồng hành và hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, vượt qua thách thức và tận dụng tốt nhất các cơ hội trong trạng thái "bình thường mới", Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định chính trị xã hội, bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khoá và các chính sách khác. Hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận các nguồn vốn và cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp. Ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số, coi đây là khâu đột phá trong phát triển nhanh, bền vững.

Chính phủ sẽ tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động đón làn sóng đầu tư mới gắn với tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư ở trong và ngoài nước bằng các hình thức mới nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng thị trường và sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam, qua đó giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường và mạng lưới đối tác thương mại, thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao.

Phó Thủ tướng nhận định, trạng thái "bình thường mới" sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải có những cách tiếp cận mới, những cách thức và biện pháp mới trong chỉ đạo, điều hành và hoạch định chính sách, cũng như trong xây dựng và tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch về phát triển kinh tế-xã hội, về đầu tư, kinh doanh.

Điều đó càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Việt Nam chuẩn bị bước vào thời kỳ chiến lược mới (2021-2030) với việc triển khai các Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới, hướng tới sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Phó Thủ tướng nhìn nhận cộng đồng doanh nghiệp sẽ là lực lượng nòng cốt để góp phần thực hiện thành công các Chiến lược và Kế hoạch trên.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết Phó thủ tướng: Trạng thái "bình thường mới" sẽ tạo cơ hội và thách thức tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỷ USD trong 9 tháng
Tính đến ngày 20/9/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 21,20 tỷ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện ước đạt 13,76 tỷ USD, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2019.