Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công tồn tại nhiều năm chậm khắc phục

08/09/2023, 20:29
báo nói -

TCDN - Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công tại một số Bộ, ngành, địa phương chưa chuyển biến đáng kể, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chậm được khắc phục.

Sáng 8/9, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, mục tiêu, nội dung cụ thể của phiên giải trình là tập trung đánh giá tình hình và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN) của các Bộ, Ngành, địa phương đến ngày 31/3/2023 đối với niên độ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, niên độ NSNN năm 2020 và 2019 trở về trước đến ngày 31/12/2021 chưa thực hiện.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, qua xem xét và làm việc với một số Bộ, ngành, địa phương thấy rằng, trong thời gian vừa qua, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực trong triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN, đặc biệt trong 4 tháng gần đây sau khi Ủy ban Tài chính, Ngân sách ban hành Kế hoạch phiên giải trình đã có sự chuyển biến rất tích cực, số lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán thực hiện tăng lên đáng kể. Trong đó nhiều kết luận, kiến nghị tồn đọng nhiều năm cũng được quan tâm thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ.

12

Tuy nhiên, do số kết luận, kiến nghị kiểm toán tồn đọng, tích lũy nhiều năm, nên tổng số kết luận, kiến nghị kiểm toán cả về xử lý tài chính, xử lý khác, rà soát, sửa đổi, ban hành văn bản pháp luật, kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đến 31/3/2023 còn rất lớn và tồn tại ở hầu hết các Bộ, ngành, địa phương. Trong từng Bộ, ngành, địa phương nguyên nhân, lý do chưa thực hiện kết luận, kiến nghị khá đa dạng; nhiều kết luận, kiến nghị cần nhiều cơ quan vào cuộc mới có thể xem xét, xử lý.

Theo Phó chủ tịch Nguyễn Đức Hải, qua thông tin, số liệu báo cáo cũng cho thấy trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công tại một số Bộ, ngành, địa phương chưa chuyển biến đáng kể, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chậm được khắc phục. Số kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác; rà soát, sửa đổi ban hành văn bản quy phạm pháp luật; yêu cầu kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có xu hướng năm sau tăng cao hơn năm trước.

Số kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện còn rất lớn. Nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách của KTNN chưa được thực hiện là 699 kiến nghị; nhóm kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đối với niên độ NSNN năm 2020 và năm 2019 trở về trước là 746 kiến nghị. Báo cáo các Bộ, ngành, địa phương và KTNN cũng đã nêu nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan chưa thực hiện được hết các kiến nghị của KTNN.

Do đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Tổng KTNN làm rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; công tác phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp thu thập chứng từ xác nhận kết luận, kiến nghị đã thực hiện; hướng dẫn, xử lý các vấn đề Bộ, ngành, địa phương kiến nghị, giải trình, khiếu nại; các nguyên nhân do trách nhiệm của KTNN dẫn đến không hoặc chậm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các kết luận, kiến nghị kiểm toán không thể thực hiện được do nguyên nhân bất khả kháng; giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN…

Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND Tp.HCM và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung làm rõ lý do để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công tại Bộ, ngành, địa phương; công tác chỉ đạo điều hành trong tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN.

Nguyên nhân, lý do chậm trễ trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; việc chủ động xử lý theo thẩm quyền và đề xuất cấp có thẩm quyền để thực hiện được các kết luận, kiến nghị của KTNN, đặc biệt là các kết luận, kiến nghị kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm chưa được xử lý.

Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan, các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và việc không thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN theo các Nghị quyết của Quốc hội…

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công tồn tại nhiều năm chậm khắc phục tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thu ngân sách nhà nước đạt gần 70% dự toán
Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 1.124,5 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán năm và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.