Sau rút vốn khỏi mảng bán lẻ, Vingroup rút luôn hãng bay Vinpearl Air

14/01/2020, 14:11

TCDN - Sau khi kết quả thẩm định hồ sơ dự án hãng hàng không Vinpearl Air vừa được Bộ KH&ĐT trình lên Thủ tướng, Vingroup đã bất ngờ tuyên bố “đóng cửa” hãng bay này.

Trong tuyến bố chính thức phát đi đầu giờ chiều nay, Vingroup nêu rõ từ 14/1 chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Doanh nghiệp này cho hay đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông Vận tải, chính thức xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không.

Điều này đồng nghĩa nhiều khả năng Hãng hàng không Vinpearl Air sẽ không thể cất cánh. Thông cáo của doanh nghiệp cũng không chia sẻ về tương lai của dự án hàng không này.

Lý do cho quyết định trên được doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đưa ra là để "tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Vingroup".

a

Theo Vingroup, quyết định này không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không VinAviation đảm nhiệm. Khoá Đào tạo đang triển khai vẫn tiếp tục được duy trì với đầy đủ những cam kết đã có với học viên. 

Đồng thời, Vingroup khẳng định vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không trên cả nước.

Trước đó theo hồ sơ gửi cơ quan chức năng xin thực hiện dự án, Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.300 tỷ đồng, đặt trụ sở tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Vinpearl Air nêu rõ thời điểm cất cánh dự kiến là tháng 7/2020 nếu được phê duyệt. Lượng máy bay khai thác trong năm đầu là 6 chiếc thân hẹp loại 150-220 ghế. Trung bình hàng năm sẽ đưa vào khai thác thêm 6 máy bay và đến năm 2024 đạt 30 chiếc.

Trong 5 năm đầu hoạt động, Vinpearl Air sẽ tập trung duy trì số chuyến khai thác tại Nội Bài luôn trên mức 30% tổng số chuyến của hãng. Tại Tân Sơn Nhất, hãng sẽ khai thác 21 chuyến/tuần trong năm đầu tiên (chiếm 14,3%) và 112 chuyến/tuần trong năm thứ 5 (19,7%).

Trong năm đầu, dự án không lập kế hoạch khai thác đường bay quốc tế. Đến năm thứ hai (năm 2021), Vinpearl Air sẽ khai thác 32 chuyến quốc tế/tuần. Dự kiến đến năm 2025, Vinpearl Air khai thác 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế.

Trước Vinpearl Air, Vingroup cũng đã rút khỏi mảng bán lẻ và nông nghiệp (Vinmart, Vinmart+ và VinEco) vào tháng 12/2019. Theo đó, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), VinEco (nông nghiệp), Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Tập đoàn này sau đó cũng tuyên bố đóng cửa chuỗi cửa hàng điện máy Vinpro và VienthongA để dồn nguồn lực cho lĩnh vực sản xuất.

Thanh Tân
Bạn đang đọc bài viết Sau rút vốn khỏi mảng bán lẻ, Vingroup rút luôn hãng bay Vinpearl Air tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thâu tóm Vinmart, VinEco: Masan hưởng 'quả ngọt' hay nếm 'trái đắng'?
Sau khi công bố thông tin thương vụ VinCommerce và VinEco sáp nhập vào Công ty Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Holding, UpCOM: MCH) cổ phiếu của Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước “tháo chạy” trong khi đó cổ phiếu VIC là được đà tăng nhẹ.