Cuộc chiến chống lạm phát khiến Mỹ tốn thêm tiền trả nợ
TCDN - Chi phí vay cao hơn do cuộc chiến chống lạm phát của Fed khiến thâm hụt tăng và châm ngòi xung đột về trần nợ công của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Bộ Tài chính Mỹ ước tính chi phí trả lãi cho các khoản nợ công là 261 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm tài chính hiện nay, tăng 33% so với 196 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Trả thêm tiền lãi là một trong những khoản tăng chi tiêu lớn nhất của chính phủ Mỹ từ đầu năm đến nay, góp phần làm thâm hụt tăng lên 460 tỷ USD, tăng 78% so với 259 tỷ USD của 4 tháng đầu năm tài chính liền trước.
Chi phí tăng lên do nỗ lực chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thời gian qua, với phương án hạ nhiệt nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất cơ bản, vốn gần bằng 0 trong gần hai năm thời kỳ đại dịch.
Trong các dự báo năm ngoái, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cảnh báo chi trả lãi cho nợ công của nước này tính trên tỷ lệ phần trăm GDP sẽ tăng gần gấp đôi, từ 1,6% năm 2022 lên 3,3% vào năm 2032, với giả định rằng Fed sẽ tăng lãi suất lên 1,9% vào cuối năm ngoái và đạt 2,6% cuối năm nay.
Song Fed đã tăng lãi suất nhanh hơn nhiều so với dự kiến của CBO, đẩy lãi suất cơ bản lên từ 4,5% đến 4,75% tại cuộc họp gần đây nhất, bằng mức năm 2007. Động thái của Fed đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc lên cao, ở mức khoảng 3,6% với trái phiếu kỳ hạn 10 năm trong tuần này, tăng so với khoảng 2% một năm trước.
Lợi suất tăng dần thẩm thấu vào chi phí trả lãi khi các khoản nợ đến hạn. Theo một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính, lãi suất trung bình đối với trái phiếu Mỹ là 2,46% trong tháng 1, tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2022, góp phần vào mức thâm hụt 39 tỷ USD của tháng 1 năm nay, trong khi cùng kỳ năm ngoái thặng dư 119 tỷ USD.
Đảng Cộng hòa và một số nhà kinh tế cảnh giác với mức nợ gia tăng, nói rằng chi phí vay tăng là bằng chứng cho thấy cần phải giảm chi tiêu của chính phủ và thu hẹp thâm hụt. Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tuần này nhận xét rằng mức lãi suất chi trả đang không bền vững.
Trong khi đó, Đảng Dân chủ và các nhà kinh tế khác xem chi phí vay hiện nay vẫn ở mức kiểm soát được so với quy mô của nền kinh tế và việc giảm chi tiêu là không cần thiết. Phần lớn họ ủng hộ việc tăng thuế như một cách để giảm thâm hụt, một giải pháp mà hầu hết đảng viên Cộng hòa phản đối.
"Quả thực lãi suất đã tăng lên, và dần dần làm tăng chi phí cho quốc gia và ngân sách liên bang về lãi vay. Vì vậy, đó là một lực cản. Nhưng các dự báo ngân sách của chúng tôi từ lâu đã giả định rằng lãi suất sẽ quay trở lại mức bình thường hơn", Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen phát biểu như vậy trong tuần này.
Cuộc tranh luận về chi phí vay diễn ra trong lúc quốc hội Mỹ bế tắc về việc nâng trần nợ công lên khoảng 31.400 tỷ USD. Đảng Cộng hòa, mới nắm quyền kiểm soát Hạ viện, đang yêu cầu quốc hội chỉ thông qua nếu nó đi kèm với việc giảm chi tiêu. Ông McCarthy đã nói rằng quốc hội nên hướng tới sự cân bằng giữa chi tiêu và thu nhập theo thời gian.
Nhưng đưa ra một kế hoạch để cân bằng ngân sách sẽ là một thách thức, đặc biệt là khi nhiều nhà lập pháp không sẵn sàng đồng ý giảm ngân sách cho quân đội, an sinh xã hội và y tế. Chi phí vay cao hơn chỉ làm tăng thêm thách thức bằng cách tăng chi tiêu của chính phủ.
Trong khi đó, đảng Dân chủ kêu gọi tăng trần nợ công mà không giảm chi tiêu. Bà Yellen đã nói rằng Bộ Tài chính có thể không thể thanh toán đúng hạn tất cả khoản nợ gần nhất là vào tháng 6 nếu quốc hội không nâng trần.
Theo Wall Street Journal, các nhà kinh tế đều nhất trí rằng chi trả cho lãi vay có thể gây ra vấn đề nếu nó bắt đầu chiếm một phần lớn trong ngân sách quốc gia, cạnh tranh với chi tiêu cho các chương trình liên bang và tạo ra một vòng luẩn quẩn của việc vay thêm. Chi trả cao cho nợ cũng có thể bắt đầu lấn át đầu tư tư nhân, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng. Nhưng họ khác nhau về quan điểm phần chi tiêu nào đang là vấn đề cấp bách.
"Tất cả những gì chúng tôi thực sự biết là lãi thấp hơn thì tất nhiên tốt hơn", Wendy Edelberg, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, nói về chi trả nợ công. Từng là nhà kinh tế trưởng tại CBO, bà Edelberg nói rằng hiện tại "không có trường hợp khẩn cấp nào" để bắt buộc phải hành động.
Michael Faulkender, một quan chức Bộ Tài chính dưới thời chính quyền Trump, cho rằng không thể bình luận việc vay ở mức nào là quá nhiều. "Việc tìm ra giới hạn ở đâu là một thảm họa vì điều đó có nghĩa là chúng ta đã gặp thất bại trên thị trường trái phiếu", ông nói.
Một câu hỏi trọng tâm trong việc xác định vấn đề nợ công đang thách thức đến đâu chính là lạm phát chỉ tạm thời hay áp lực dài hạn trong nền kinh tế. Trả lời cho câu hỏi sẽ giúp xác định lộ trình tương lai của lãi suất và chi phí đi vay.
Trong những năm 1990, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã kiềm chế thâm hụt ngân sách để trái phiếu kho bạc nước này trở nên hấp dẫn hơn với người mua. Trong phần lớn của khoảng thời gian 20 năm qua, lạm phát ở mức thấp và nhu cầu trái phiếu kho bạc Mỹ trên toàn cầu cao đã giúp chi phí đi vay giảm xuống, ngay cả khi các khoản chi tiêu khác khiến nợ và thâm hụt tăng cao.
Theo ước tính của CBO, lạm phát dự kiến giảm xuống 2% vào cuối năm 2024, với lãi suất chuẩn của Fed trung bình là 2,5% trong thập kỷ tới. Michael Strain, Giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ cần giải quyết khoản nợ bất kể diễn biến lãi suất trong tương lai.
"Nếu lãi suất tăng cao, đó sẽ là một vấn đề. Nếu lãi suất quay trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch, thì đó sẽ vẫn là một vấn đề. Một vấn đề ít cấp bách hơn, nhưng dù sao cũng là một vấn đề", ông nói.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899