Điểm “nghẽn” của doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn

15/05/2023, 13:42
báo nói -

TCDN - Tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp ( DN) năm 2023 do UBND tỉnh tổ chức, nhiều DN tại KKTNS đã kiến nghị tới lãnh đạo tỉnh những vướng mắc cần sớm được các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc tháo gỡ.

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, một số vướng mắc đã được các sở, ngành giải đáp trực tiếp và có phương án giải quyết kịp thời.

Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp sẽ hỗ trợ việc giải quyết nhu cầu của DN trong thời hạn nhanh nhất.

Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp sẽ hỗ trợ việc giải quyết nhu cầu của DN trong thời hạn nhanh nhất.

Mục tiêu xây dựng và phát triển khu kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) của Thanh Hóa cũng như của Việt Nam là thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản. Vì vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN tại đây luôn được tỉnh và các sở, ngành, địa phương đồng hành, với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để vận hành hiệu quả.

Dự án hạ tầng cung ứng điện chậm tiến độ

Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn đã kiến nghị về vấn đề dự án hạ tầng cung ứng điện cho nhà máy nguy cơ bị chậm tiến độ tại Hội nghị gặp gỡ DN năm 2023: Việc trình chủ trương thu hồi đất cho hai dự án trạm biến áp 220 KV KKTNS và đường dây 220KV-110KV lộ xuất tuyến có nguy cơ chậm dẫn tới chậm đóng điện để vận hành Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2 và đề xuất sớm được vào cuộc tháo gỡ.

Theo đó, Ngày 8-5 vừa qua, UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với Ban Quản lý dự án các Công trình Điện Miền Trung (CPMB), các sở, ngành liên quan, UBND thị xã Nghi Sơn để tháo gỡ vướng mắc mặt bằng cho dự án cấp bách này.

Được biết, dự án trạm biến áp 220 KV KKTNS và đường dây 220KV-110KV lộ xuất tuyến có quy mô đầu tư xây dựng mới TBA 220/110kV, lắp đặt 2 máy biến áp công suất 250 MVA và hệ thống đường dây. Mục tiêu của dự án nhằm cung cấp điện cho Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Liên hợp Gang thép Nghi Sơn; đồng thời nâng cao chất lượng điện năng khu vực và các vùng lân cận nhằm bảo đảm dự phòng cho phát triển KKTNS.

Hiện nay, CPMB đang tiến hành thi công đào đúc móng 5/12 vị trí móng đã được bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, phần thi công phần TBA 220kV gặp khó khăn đường vào trạm bị ảnh hưởng bởi rừng tự nhiên và đơn vị đang triển khai thi công theo giải pháp đường tạm phục vụ thi công (đoạn đường thuộc khu vực rừng tự nhiên sẽ được triển khai thi công sau khi hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên).

Trước kiến nghị của CPMB về việc UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét sớm trình HĐND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trồng, đất rừng để thực hiện dự án, xác định đây là dự án cấp bách nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của KKTNS và tỉnh, tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh cơ bản thống nhất với đề xuất kiến nghị của CPMB và sẽ trình các cấp có thẩm quyền xem xét. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND thị xã Nghi Sơn vào cuộc quyết liệt để sớm tháo gỡ khó khăn về mặt bằng này để triển khai thi công dự án, phát điện theo đúng kế hoạch vào tháng 12-2023 nhằm vận hành Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2 và nâng cấp khả năng cung ứng điện cho các nhà máy lân cận.

UBND tỉnh giao thị xã Nghi Sơn phê duyệt giá đất cụ thể và hoàn thiện các thủ tục phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ ngay sau khi được HĐND tỉnh thông qua danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho dự án để bảo đảm tiến độ thi công.

Thủ tục lao động người nước ngoài còn mất nhiều thời gian

Công ty TNHH Peci Việt Nam cho biết, trong thời gian bảo trì của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vào tháng 8 sắp tới, công ty sẽ điều động đội ngũ chuyên gia người nước ngoài sang Việt Nam với số lượng nhiều và tập trung trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên hiện nay, việc hoàn thành các hồ sơ thủ tục đang còn mất khá nhiều thời gian trong việc thực hiện các thủ tục chấp thuận vị trí, nhu cầu sử dụng lao động.

Công ty kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đồng hành, tạo điều kiện hết sức về thủ tục đối với lao động người nước ngoài để DN tiến hành công việc được thuận lợi.

Về vấn đề này, Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp đã đề nghị khi có nhu cầu đưa lao động nước ngoài sang làm việc, công ty có văn bản báo cáo Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp về nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc và các giấy tờ liên quan qua hình thức nộp trực tuyến.

Quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn.

Quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn.

Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp sẽ hỗ trợ việc giải quyết nhu cầu của DN trong thời hạn nhanh nhất, thực hiện cấp giấy phép lao động nước ngoài trong thời gian chỉ từ 1 đến 2 ngày làm việc nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định.

Luồng ra vào của cảng nhiều cản trở

Thứ nhất, về vấn đề luồng ra vào Cảng cá Lạch Bạng bị bồi lắng gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào. Điển hình Công ty CP Vận tải và Chế biến hải sản Long Hải vì bất cập này dẫn đến công ty bị thiếu nguyên liệu cho sản xuất.

Được biết, Cảng cá Lạch Bạng nằm ở km0 của tuyến đường thủy nội địa quốc gia Lạch Bạng - Đảo Mê. Cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng được đầu tư từ năm 2009 và hoàn thành năm 2012. Các công trình sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả đầu tư trong việc phục vụ sản xuất thủy, hải sản và neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền.

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống luồng lạch ra, vào cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền bị bồi lấp, có dải đá ngầm trong luồng tàu và trong lòng bể làm cạn và thu hẹp bề rộng luồng, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng cá và khu neo đậu. Trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia Lạch Bạng - Đảo Mê, đoạn luồng hiện nay bị bồi lấp, khan cạn nằm ở khoảng lý trình đoạn từ km0 đến km2.

Thứ hai, tại các cầu cảng số 1, số 2 và 2A có một số hộ dân xã Hải Hà nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng đến tuyến luồng, vùng quay và bảo đảm an toàn cho các tàu khi ra, vào cảng. Điển hình Công ty TNHH Cảng Quốc tế Nghi Sơn cũng đã có ý kiến về vấn đề này. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép tại các bến cảng.

Để lý giải về vấn đề này,  UBND thị xã Nghi Sơn đã nêu khó khăn do không được trang bị các phương tiện thực hiện tuần tra, kiểm tra thường xuyên để ngăn chặn, xử lý vi phạm trong nuôi cá lồng. Do đó, UBND thị xã Nghi Sơn đã đề nghị và được Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn hỗ trợ trong công tác tuần tra ngăn chặn các vi phạm, bảo đảm việc khai thác các khu cảng của Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn, Cảng Nhiệt điện 1 và Nhiệt điện 2 tại KKTNS.

Thứ ba, tại khu vực cầu Yên Hòa đang được địa phương bố trí chỗ neo đậu tàu, thuyền đánh cá của các ngư dân lấn chiếm vùng nước và vùng quay chở tàu vào cảng, gây ra mất an toàn hàng hải.

UBND thị xã Nghi Sơn cho biết, hiện đã ban hành nghị quyết về đầu tư công trình nạo vét khu neo đậu tạm cho tàu thuyền của ngư dân xã Hải Hà tại khu vực Cồn Mom và khu vực cầu Yên Hòa - Cảng Hải đội 2, xã Hải Hà với dự toán công trình 5,12 tỷ đồng, do thị xã Nghi Sơn làm chủ đầu tư. Hiện nay thị xã đã tổ chức đấu thầu và sẽ phối hợp với các ngành liên quan và sẽ bố trí ngân sách để thực hiện dự án trong năm 2023.

Tích cực bám sát, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư

Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp tỉnh khẳng định rằng: đơn vị đang tích cực bám sát, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hiện hữu đầu tư mở rộng quy mô, công suất, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Thường xuyên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lớn, có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 1...

Tích cực đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai và các điều kiện về hạ tầng kết nối, điện, nước, sớm đưa vào hoạt động để gia tăng sản lượng hàng hóa công nghiệp như: Nhà máy Xi măng Đại Dương 1 và 2, Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2...

Khẩn trương phối hợp với thị xã Nghi Sơn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư như: Nhà máy Luyện cán thép DST Nghi Sơn, Nhà máy Sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương, Khu nuôi trồng thủy hải sản VNC... để gia tăng giá trị sản lượng hàng hóa trong thời gian tới.

Thời gian vừa qua, nhiều kiến nghị liên quan đến các DN hoạt động tại KKTNS cũng đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, chính quyền thị xã Nghi Sơn quan tâm xử lý như vấn đề cấp nước sạch, phòng cháy chữa cháy, giải phóng mặt bằng mở rộng quy mô dự án... Những tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KKTNS vẫn ghi nhận sự tăng trưởng với giá trị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nộp ngân sách Nhà nước tương đương so với cùng kỳ.

Lan Anh
Bạn đang đọc bài viết Điểm “nghẽn” của doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan