Hướng tới kỷ nguyên bệnh viện số
TCDN - Chuyển đổi số y tế đánh dấu bước đầu cho sự dịch chuyển mạnh mẽ từ mô hình bệnh viện truyền thống sang bệnh viện số tại Việt Nam. Viễn cảnh người dân khi khám chữa bệnh đều có thể áp dụng các công nghệ số từ khâu đặt lịch hẹn cho đến khâu gửi kết quả, chẩn đoán trở nên ngày càng gần.
Mục tiêu “mỗi người dân đều có bác sĩ riêng”
Những năm gần đây, Bộ Y tế đang quan tâm và sát sao trong quá trình chuyển đổi số ngành y. Những nỗ lực của cơ quan đầu ngành về y tế là không thể phủ nhận. Từ năm 2017 đến nay, Bộ Y tế từng bước xây dựng vững chắc hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh. Mục tiêu đặt ra là hướng đến kỷ nguyên “bệnh viện số”, “bác sĩ số”.
Cụ thể, Bộ Y tế đang đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn...
Hiện tại, có 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, 30 bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Ngoài ra, 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Một số bệnh viện đã sử dụng mạng xã hội trong tương tác bệnh nhân như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM; ứng dụng điện toán đám mây ở các cơ sở y tế tại Nghệ An, Tiền Giang, Kon Tum....
Theo thông tin được công bố, đã có 99.5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam, đồng thời xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối trong y tế. Ngành y tế cũng đã thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư tại một số bệnh viện.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, an toàn Covid cũng đạt những thành tựu đáng biểu dương...
Phát biểu tại Hội nghị Chuyển đổi số ngành Y tế năm 2022 khu vực phía Nam, GS.TS.Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận xét, chuyển đổi số sẽ tác động đến cách thức lãnh đạo quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế, hướng đến cách thức lãnh đạo, quản lý công việc và ra quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ số.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số y tế cũng tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động trong ngành y tế, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình thành “người thầy thuốc số”.
Chuyển đổi số và những lợi ích thiết thực
Với trên 90% người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh, Việt Nam đang sở hữu điều kiện rất thuận lợi để các dịch vụ y tế số tiếp cận người dân và ngược lại. Các ứng dụng y tế số đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối người dân đến với các cơ sở y tế chăm sóc khỏe một cách chủ động.
Một số dịch vụ cốt lõi đang phát triển trên nền tảng chuyển đổi số ngành y là: Dịch vụ kết nối đặt lịch khám, khám bệnh từ xa; ứng dụng hỏi đáp, giao nhận thuốc; trang tin y tế; hồ sơ y tế lưu trữ thông tin và các dữ liệu y tế sức khỏe cá nhân liên tục của người dân...
Bác sĩ Dương Công Sáng - Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn cho hay, các ứng dụng này nếu được áp dụng đồng loạt sẽ giúp người dân chủ động tiếp cận dịch vụ y tế một cách nhanh chóng, thuận tiện. Người dân dễ dàng đồng hành với các cơ sở y tế trong hành trình chuyển đổi số thành công và giúp các cơ sở y tế tối ưu các nguồn lực nội bộ, hỗ trợ bệnh nhân tốt hơn và nâng cao sự hài lòng của người bệnh. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng giúp người dân dễ dàng tương tác với ngành y tế để phản ánh hoặc được hướng dẫn khi có nhu cầu.
Là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng bệnh án điện tử tại khu vực phía Nam, Bệnh viện Tp.Thủ Đức hiện tại đã số hóa toàn bộ hồ sơ bệnh án bằng giấy và tích hợp vào phần mềm trên 6.000 hồ sơ bệnh án giấy. Điều này giúp lưu trữ lâu, tiết kiệm diện tích phục vụ thuận tiện cho công tác thống kê, báo cáo, nghiên cứu khoa học, dự báo…
Ông Vũ Trí Thanh - Phó Giám đốc Quản lý điều hành Bệnh viện Tp.Thủ Đức cho biết: “Khảo sát từ 124 bác sĩ, điều dưỡng cũng cho thấy thao tác thực hiện bệnh án điện tử giúp giảm thời gian rõ rệt so với bệnh án giấy, từ gần 31 phút xuống chỉ còn gần 19 phút. Nếu tính số lượng hàng ngàn bệnh án phải thực hiện mỗi ngày, số thời gian sẽ được tiết giảm rất đáng kể, chưa kể các tiện ích trong việc lưu trữ, truy xuất khi cần".
Lợi ích là vậy, thế nhưng thực trạng chuyển đổi số y tế vẫn còn khá nhiều khó khăn, trở ngại. Một số doanh nghiệp y tế số vẫn đang loay hoay tiếp cận các nguồn lực chuyển đổi số, khó khăn trong việc hợp tác, thời gian triển khai kéo dài với các bệnh viện, cơ sở y tế...
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung lại do nhạy cảm của lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe và đặc thù chuyên môn nghiệp vụ của ngành y.
Để giải quyết những khó khăn này, Bộ Y tế đã có kế hoạch cụ thể trong chiến lược chuyển đổi số y tế giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, trong những năm tiếp theo, Bộ sẽ chú tâm phát triển toàn diện hạ tầng số y tế, nền tảng số trong y tế, kiến tạo thể chế, chuyển đổi nhận thức, bảo đảm an toàn an ninh mạng, phát triển nguồn nhân lực cũng như hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số...
Với những kế hoạch nói trên, người bệnh hoàn toàn có thể kỳ vọng về một kỷ nguyên “bệnh viện số”, “bác sĩ số” trong tương lai rất gần.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899