VCCI:

Khởi động dự án Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm trong ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến thực phẩm

18/08/2023, 11:00

TCDN - Ngày 18/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Quỹ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) và các đối tác tổ chức hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam”.

Dự án do ETP, Văn phòng Dịch vụ Dự án của Liên Hợp Quốc UNOPS tài trợ, phối hợp VCCI cùng các đối tác thực hiện. 

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, tháng 7/2022, Thử tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án  những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26). Quyết định nêu rõ, VCCI được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kết nối với hiệp hội doanh nghiệp quốc tế và các nước để kêu gọi, thu hút sự tham gia hỗ trợ tài chính và công nghệ thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời huy động các hiệp  hội, doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện cam kết.

Các hoạt động tuyên truyền thay đổi thói quen và nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của người lao động cũng như các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật áp dụng  công nghệ hiện đại, tự động hóa sản xuất và sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện hiệu suất cao có thể tiết kiệm  từ 20-40% lượng điện tiêu thụ tùy quy mô và công nghệ trong khối doanh nghiệp sản xuất.

"Việc doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát  triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia" - Phó Chủ tịch VCCI nói.

Thông tin về các hoạt động của ETP, ông John Robert Cotton - Quản lý Chương trình Cấp cao của ETP cho biết, ETP hiện tại đang tập trung vào  Indonesia, Philippines và Việt Nam, là những quốc gia trong khu vực có nhu cầu năng lượng cao, có số lượng  lớn các dự án năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch, và có tiềm năng đáng kể và hiệu quả về chi phí đối  với các dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.  

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp phụ trợ có tốc  độ công nghiệp hóa nhanh chóng và tiềm năng lớn về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Tuy  nhiên, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng do còn thiếu thông tin về năng lượng hiệu quả, tính bền vững và sản xuất xanh.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất có xu hướng bỏ qua các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do hạn chế về tài chính, kỹ thuật, năng lực kiểm toán mức tiêu thụ năng lượng, năng lực phát triển các dự án để tiếp cận các nguồn tài chính đầu tư phù hợp. Mô hình kinh doanh Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO) là mô hình kinh doanh khá mới và chưa được nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam tiếp cận.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Giới thiệu về Dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp  chế biến thực phẩm tại Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Điều phối dự án, Ban Quản lý dự án VCCI cho biết, dự án sẽ được thực hiện thí điểm trong hai năm (2023 – 2025) cho 02 ngành công nghiệp phụ trợ và chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Mục tiêu tổng thể của dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp  hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam” là nâng cao nhận thức trong 2 ngành công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cho các khoản đầu tư sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu  quả, kết nối mạng lưới giữa các nhà sản xuất, nhà tài chính và các ESCO, thí điểm đánh giá chuẩn năng lượng hiệu quả cho hai ngành và xây dựng lộ trình thành lập Hiệp hội ESCO tại Việt Nam.

Mục tiêu này sẽ được hiện thực hóa thông qua sự kết hợp của hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực về năng lượng hiệu quả,  đào tạo về chuẩn bị đề xuất cho các dự án hiệu quả năng lượng khả thi về mặt tài chính. Dự án này sẽ giúp  sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, thực hành chuỗi cung ứng sản xuất có trách nhiệm, cải thiện điều kiện xã  hội và môi trường, đồng thời giảm lượng khí thải carbon trong hai ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng  lượng. 

Dự kiến kết quả của dự án là 100 nhà sản xuất trong 2 ngành được tuyên truyền nâng cao nhận thức và cải thiện các phương thức quản  lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 10 nhà máy sẽ được hỗ trợ phát triển các dự án hiệu quả năng  lượng khả thi; 03 nhà máy tiếp cận doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến thực phẩm ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu suất năng lượng; thiết lập 01 mạng lưới về sử dụng năng lượng tiết kiệm và  hiệu quả bao gồm các nhà sản xuất, ESCO, các tổ chức tài chính và các bên liên quan; tham vấn lộ trình  thành lập Hiệp hội ESCO và thí điểm công cụ đo điểm chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

ETP được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 20 tháng 11 năm 2020 dưới sự quản lý của Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS). Đây là một quỹ đa bên với mục đích tập hợp các Nhà tài trợ trên khắp thế giới và các Đối tác chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng ở Đông Nam Á và thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hiện nay, các đóng góp vào ETP từ Chính phủ Pháp, Đức, Anh và Canada cũng như từ các tổ chức khác.

PV
Bạn đang đọc bài viết Khởi động dự án Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm trong ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến thực phẩm tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan