Ký hiệp định đầu tư với Trung Quốc, EU rời xa hơn vòng tay của Mỹ

03/01/2021, 10:49

TCDN - Liên minh châu Âu (EU) đã ký một hiệp định đầu tư với Trung Quốc với mục tiêu tái cân bằng cán cân thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Brussels và Bắc Kinh đã đàm phán Hiệp định Đầu tư Toàn diện từ năm 2014, song các cuộc thương lượng chỉ tăng tốc trong vài háng trước thời hạn chót là cuối năm 2020.

Đàm phán hoàn tất vào ngày 30/12 trong một cuộc hội đàm video giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức Liên minh châu Âu, theo một tuyên bố của Ủy ban châu Âu - bao gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Giới chức EU kỳ vọng Hiệp định Đầu tư Toàn diện sẽ tạo cú hích cho các công ty châu Âu đang tìm cách thâm nhập thị trường Trung Quốc và hồi sinh nền kinh tế châu Âu sau gần một năm chịu tổn thất bởi đại dịch COVID-19.

Đối với Trung Quốc, thỏa thuận đầu tư mới với EU sẽ nâng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên phạm vi thế giới, đặc biệt khi quốc gia đông dân nhất thế giới vừa ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trước đó không lâu.

"Hiệp định Đầu tư Toàn diện sẽ tái cân bằng mối quan hệ kinh tế giữa EU và Trung Quốc", Chủ tịch von der Leyen phát biểu.

Dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình, hãng thông tấn Tân Hoa Xã bình luận: "Hiệp định Đầu tư Toàn diện sẽ thúc đẩy kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 và nâng cao niềm tin của cộng đồng quốc tế vào toàn cầu hóa kinh tế và thương mại tư do".

Cuộc hội đàm trực tuyến về Hiệp định Đầu tư Toàn diện giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức Liên minh châu Âu. Ảnh: Tân Hoa Xã

Cuộc hội đàm trực tuyến về Hiệp định Đầu tư Toàn diện giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức Liên minh châu Âu. Ảnh: Tân Hoa Xã

EU và Trung Quốc đạt thỏa thuận ngay trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau. Giới quan sát chưa rõ phản ứng của chính quyền Biden với thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc và EU.

Hồi đầu tháng 12, đội ngũ của ông Biden đã cảnh báo Brussels không ký kết thỏa thuận quá vội vàng do "các lo ngại chung về hoạt động kinh tế của Trung Quốc". Một số nhà phân tích nhận định, hiệp định có nguy cơ phá vỡ liên minh thống nhất chống chính sách kinh tế của Bắc Kinh.

"EU sẽ cần phải công khai quảng bá và bảo vệ CAI. Điều này có thể đi ngược lại với nỗ lực chung do Mỹ dẫn dắt nhằm kiếm chế hoạt động kinh tế không công bằng của Trung Quốc...", hai nhà phân tích Wendy Cutler và James Green cho hay trong một báo cáo mới.

Bà Cutler từng làm việc 30 năm cho Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), và từng đảm nhận vai trò quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ. Ông Green từng là cố vấn bộ trưởng về các vấn đề thương mại tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cũng như tại USTR.

"Bắc Kinh sẽ sử dụng các cuộc đàm phán với EU để truyền đạt thông điệp rằng châu Âu ủng hộ chế độ thương mại và đầu tư của Trung Quốc, trái ngược với khẳng định của Mỹ về bản chất bất ổn và không công bằng của hệ thống này", hai nhà phân tích cảnh báo.

Họ cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh có thể sử dụng hiệp định mới để dập bớt làn sóng chỉ trích liên quan đến các biện pháp thương mại mạnh tay áp dụng với Australia thời gian qua", hai nhà phân tích nói thêm.

"Hiển nhiên, một trong các mục tiêu quan trọng của Bắc Kinh khi nhượng bộ EU vào phút chót là chia rẽ mặt trận chống Trung Quốc giữa Mỹ và EU, ngay trước thềm chính quyền ông Biden lên nắm quyền", hai người khẳng định.

Nhã Vy/theo CNN
Bạn đang đọc bài viết Ký hiệp định đầu tư với Trung Quốc, EU rời xa hơn vòng tay của Mỹ tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Doanh nghiệp châu Âu tính di chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa tiếp cựu Phó Thủ tướng CHLB Đức Philipp Rosler cùng đoàn doanh nghiệp nước ngoài. Ông Philipp Rosler cho hay, đoàn đã quyết định đầu tư ngay một khoản 350 triệu USD vào những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như du lịch, chăm sóc, y tế…