Nợ công dự kiến đạt khoảng 40% đến hết năm 2023

20/08/2023, 09:36
báo nói -

TCDN - Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, uớc đến cuối năm 2023, nợ công/GDP khoảng 40-41%, nợ Chính phủ/GDP khoảng 37-38%, nợ Chính phủ bảo lãnh/GDP khoảng 3-4%, nợ chính quyền địa phương/GDP dưới 1%.

Theo ông Trương Hùng Long, Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của dịch Covid-19; xung đột Nga – Ucraina; chính sách “không Covid” của Trung Quốc kéo dài, gây đứt gãy chuỗi cung ứng; lạm phát; chính sách thắt chặt tiền tệ của một số nước trên thế giới; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, thị trường tài chính, ngân hàng tại một số quốc gia khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã duy trì được ổn định chính trị - xã hội, nền tảng kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, nhìn lại giai đoạn 2021-2023, công tác quản lý nợ công đã đạt được một số kết quả nổi bật: An toàn nợ công được đảm bảo trong phạm vi mức trần, ngưỡng cảnh báo được Quốc hội phê duyệt, uớc đến cuối năm 2023, nợ công/GDP khoảng 40-41%, nợ Chính phủ/GDP khoảng 37-38%, nợ Chính phủ bảo lãnh/GDP khoảng 3-4%, nợ chính quyền địa phương/GDP dưới 1%; Đảm bảo huy động vốn vay cho ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển; Thực hiện thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.

Tại dự thảo báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Bộ Tài chính, trong tổng số 1,25 triệu tỷ đồng cần vay trong hai năm 2024-2025, thì 750 nghìn tỷ đồng vay để bù đắp bội chi ngân sách Trung ương, còn vay để trả nợ gốc đến hạn ngân sách trung ương là khoảng 465,8 nghìn tỷ đồng (trong đó, nghĩa vụ trả nợ gốc trong nước 313 nghìn tỷ đồng, nước ngoài 152,8 nghìn tỷ đồng).

Nhu cầu vay về cho UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài khoảng 33,4 nghìn tỷ đồng. 

Dự kiến tổng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ nửa cuối giai đoạn (2024-2025) khoảng 715 nghìn tỷ đồng, trong đó nghĩa vụ trả gốc khoảng 465,8 nghìn tỷ đồng; nghĩa vụ trả lãi khoảng 249,2 nghìn tỷ đồng. 

Trong tổng số trả nợ gốc nói trên, trả nợ trong nước là 313 nghìn tỷ đồng, chiếm 67,2%; trả nợ nước ngoài là 152,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,8% tống trả nợ gốc. Riêng đối với vay ngân quỹ nhà nước, số dư nợ đến tháng 6/2023 là 233,71 nghìn tỷ đồng, là khoản vay còn dư từ những năm trước.

Ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, thời gian tới, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức do độ mở nền kinh tế cao nên dễ chịu tác động từ cú sốc bên ngoài; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường gây sức ép lên tài chính ngân sách.

Mặt khác, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, trong thời gian tới, khoản vay ODA sẽ tiến tới kết thúc, tỷ trọng vay ưu đãi và vay theo điều kiện thị trường tăng, dẫn đến chi phí vay vốn tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn duy trì ở mức cao...

Một thách thức khác là công tác tổ chức quản lý nợ tại Việt Nam còn nhiều phân tán, trong khi một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đã thiết lập ra cơ quan quản lý nợ trong đó ra quyết định nợ dựa trên phân tích danh mục nợ, chi phí và rủi ro.

Do đó, theo ông Andrea Coppola, cải cách thể chế sẽ tạo điều kiện cho công tác huy động nợ, trên cơ sở đó hỗ trợ phát triển thị trường trong nước hiệu quả, góp phần quản lý ngân sách hiệu quả. “Việt Nam đề ra Chiến lược 10 năm đạt mục tiêu thành lập cơ quan quản lý nợ vào năm 2030, khung thời gian đó phản ánh thực tế cải cách thể chế rất quan trọng và cần có sửa đổi quy định pháp luật đồng thời cải cách quản lý nợ cũng là 1 phần của công cuộc quản lý tài chính công nói chung.

Ông Trương Hùng Long cho hay, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội, hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, đồng bộ với hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý nợ công; triển khai hiệu quả việc huy động vốn vay cho ngân sách nhà nước; bố trí nguồn vốn để thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn; tiếp tục thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng vốn vay; đảm bảo chấp hành các quy định về vay, trả nợ công…

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Nợ công dự kiến đạt khoảng 40% đến hết năm 2023 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Nợ công của Italia tăng kỉ lục
Nợ công của Italia tiếp tục tăng 22 tỷ Euro (24,1 tỷ USD) trong tháng 4 so với tháng trước đó, lên mức cao kỷ lục 2,81 nghìn tỷ Euro (3,1 nghìn tỷ USD).
Mỹ đàm phán căng thẳng nâng trần nợ công lên hơn 31 nghìn tỷ USD
Ngày 10/5, Chính phủ Mỹ bắt đầu các cuộc đàm phán chi tiết về việc nâng trần nợ 31,1 nghìn tỷ USD với việc đảng Cộng hòa tiếp tục duy trì quan điểm cắt giảm chi tiêu, một ngày sau cuộc họp đầu tiên sau 3 tháng giữa Tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin McCarthy.
Malaysia nỗ lực giảm nợ công
Trong số ba tổ chức xếp hạng tài chính uy tín, Moody's Investors Service và S&P Global Ratings hiện xếp hạng Malaysia ở mức A, trong khi Fitch Ratings xếp Malaysia vào hạng BBB+.