'Tôi bị lừa mất 294 triệu sau một cuộc điện thoại'

27/11/2019, 08:26

TCDN - Nhiều năm nay, tôi không có thời gian rảnh xem tivi nên không biết thiên hạ đang lừa nhau thế nào. Tôi không ngờ có ngày mình bị mất 294 triệu chỉ sau một cuộc điện thoại.

Thời gian gần đây, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng có rất nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa đảo, đánh cắp thông tin tài khoản rồi chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Một trong những thủ đoạn kẻ gian sử dụng phổ biến hiện nay là giả mạo công an, viện kiểm sát, tòa án... nói khách hàng có liên quan tới các vụ trọng án và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để điều tra, thực chất là để lấy trộm tiền.

Zing.vn trích đăng chia sẻ của độc giả Nguyễn Thị Lan Phương, người bị kẻ gian đánh cắp 294 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng với thủ đoạn tương tự.

Bất cứ ai yêu cầu bạn cung cấp mã OTP đều là lừa đảo. Ảnh chụp màn hình.

Bất cứ ai yêu cầu bạn cung cấp mã OTP đều là lừa đảo. Ảnh chụp màn hình.

Thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Từ nhiều năm nay, tôi không có thời gian rảnh xem tivi, nên không biết thiên hạ đang lừa nhau thế nào. Đã thế lại còn tư duy theo kiểu suy bụng ta ra bụng người, ai nói gì đều tin thế, nên bị lừa mất 294 triệu chỉ sau vài cuộc điện thoại.

Ngày 4/11, tôi ở nhà làm vài việc gấp chuẩn bị cho ngày hôm sau đi công tác. Khoảng 10h sáng, tôi nhận được cuộc điện thoại từ người đàn ông nói giọng Bắc tự nhận là nhân viên bưu điện Viettel. Người này cho biết tôi phải trả khoản cước điện thoại bàn hơn 11 triệu từ số máy bàn... mở tại TP.HCM.

Khi tôi nói không có mối quan hệ gì tại TP.HCM, người này hỏi tôi có photo hay làm mất CMND gần đây không. Vì sắp đi công tác nước ngoài, tôi có đi công chứng CMND để làm hồ sơ. Người đàn ông cho biết có thể tôi đã bị lấy cắp số CMND để đăng ký số điện thoại bàn.

Người này đồng thời yêu cầu tôi báo công an TP.HCM để kiểm tra, nếu chứng minh được bị lừa tôi sẽ không phải trả khoản tiền này.

Lừa đảo ngân hàng qua điện thoại gia tăng. Ảnh minh họa. L.H.

Lừa đảo ngân hàng qua điện thoại gia tăng. Ảnh minh họa. L.H.

Lừa đảo ngân hàng qua điện thoại gia tăng. Ảnh minh họa. L.H.Tôi đồng ý. Sau 2-3 phút, ông ta đã nối được máy để tôi nói chuyện với người đàn ông thứ hai, tự xưng là đại úy..., tên..., số hiệu..., làm việc tại công an TP.HCM (người này nói giọng Nam). Sau khi nghe tôi nói lý do xin gặp, người này yêu cầu tôi phải trực tiếp đến trụ sở công an thành phố để khai báo.

"Tôi đang ở Hà Nội không thể vào đó được", tôi trả lời.

Người đàn ông này cho biết sẽ hỗ trợ tôi bằng hình thức khai báo qua điện thoại, cuộc nói chuyện sẽ được ghi âm và yêu cầu tôi khai báo trung thực.

Tôi sau đó cung cấp cho họ những thông tin cá nhân theo yêu cầu như ngày tháng năm sinh; đơn vị công tác; họ tên và nghề nghiệp của chồng, các con; địa chỉ cư trú...

Tôi cung cho biết khoảng tháng 5-6 năm nay (là thời điểm đăng ký số điện thoại ở TP.HCM) đã đi đâu và làm gì. Kết thúc phần khai báo, ông ta nói sẽ báo cáo lên cấp trên để xin lệnh đi xác minh lời khai.

Tôi thậm chí còn nghe được những cuộc điện đàm nội bộ, với những âm thanh cộng hưởng như trong một chiến dịch giải cứu con tin. Và cuối cùng là thông tin sét đánh: "Bà Nguyễn Thị Lan Phương, số CMND là..., đang bị theo dõi và giám sát chặt chẽ vì tình nghi liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy xuyên lục địa".

Đại tá công an và trọng án giả mạo

Tôi lại được nối máy đến một người tự xưng là đại tá công an, tên là Trần Đại Hải, số hiêu… Ông Hải yêu cầu tôi kết nối vào một website với địa chỉ IP là www.vn113113.com, tại đó có sẵn lệnh phong tỏa tài sản của tôi về tội danh liên quan đến đường dây buôn bán ma túy mà Chính phủ đang theo dõi.

Ông ta còn yêu cầu tôi cài đặt một phần mềm trên điện thoại (sau này con trai tôi cho biết đó là phần mềm theo dõi từ xa), rồi ra các điều kiện: "Thứ nhất, chị phải bảo đảm không thông báo cho bất kỳ ai vì chị đang là đối tượng tình nghi quan trọng; nối điện thoại trong suốt quá trình khai báo tiếp theo; không nhận bất kỳ cuộc điện thoại nào khác. Lý do chị/người nhà có thể bị bọn buôn bán ma túy giết bất kỳ lúc nào nếu chúng biết đang bị công an theo dõi.

Thứ hai, chị phải khai báo thành khẩn mối quan hệ với một người tên Long ở quận Thanh Xuân. Người này đã bị bắt và khai rằng chị đã bán cho anh ta một tài khoản của chị với giá 100.000 đồng; sau đó người này buôn bán ma túy, mỗi lần chuyển tiền qua tài khoản này, chị hưởng hoa hồng 10%, nên hiện chị đang có 6 tỷ đồng".

Tôi khá bình tĩnh và khẳng định không hề quen biết người này; không hề bán một tài khoản nào cho ai cả... Ông đại tá này nói tôi là người lớn tuổi, lại công tác ở một cơ quan quan trọng, và tin rằng tôi không liên quan gì. Nhưng để chứng minh, tôi được yêu cầu phải khai báo hết tài sản và nguồn gốc những tài sản đó.

Tôi thậm chí còn cảm ơn thiện chí của vị đại tá nói riêng và ngành công an nói chung, rồi khai báo trung thực mọi thứ theo yêu cầu của họ từ nhà đất, xe máy, tổng tiền lương, những khoản thu nhập trung bình hàng tháng từ những công trình nghiên cứu nào, minh chứng tìm ở đâu; tiền tiết kiệm gửi ngân hàng cùng các loại thẻ visa...

Cuối cùng, ông ta cho tôi một địa chỉ mạng xã hội và yêu cầu tôi kết bạn. Nhìn vào tên và ảnh, tôi hoàn toàn tin tưởng vì thấy toàn công an.

Sau đó, ông Hải yêu cầu tôi gửi qua mạng xã hội trên số tài khoản, tên chủ tài khoản, và password của Internet banking. Đến lúc này, tôi mới chợt lăn tăn vì nhớ đến lời nhắc của ngân hàng rằng không được đưa cho bất kỳ ai password của Internet banking. Song, tôi lại tự nhủ đây là chuyên án của Chính phủ cơ mà, còn to hơn ngân hàng, nên không trần chừ mà làm và gửi ngay cho ông ta những thông tin sau và cả mã OTP.

Ngay sau đó, ông Hải cho tôi 30 phút để di chuyển từ nhà lên cơ quan, chụp ảnh các loại thẻ Visa để gửi, với điều kiện phải mở điện thoại suốt hành trình này.

Nghi ngờ nhưng đã quá muộn

Đến khi cung cấp xong mã OTP, tôi mới thực sự nghi ngờ, và cầm điện thoại của mẹ tôi (81 tuổi) để gọi điện cho con trai về việc bị tình nghi trong vụ án ma túy và đã cung cấp mọi thông tin ngân hàng cho công an rồi. Con trai tôi nói: “Mẹ bị lừa rồi, thay pass của Internet banking bằng laptop ngay lập tức”.

Tôi mất 294 triệu đồng chỉ sau vài cuộc điện thoại. Ảnh: NVCC.

Tôi mất 294 triệu đồng chỉ sau vài cuộc điện thoại. Ảnh: NVCC.

Tôi vội vàng vào Internet banking thì thấy tài khoản đã trống rỗng. Gọi điện cho hotline của ngân hàng, họ yêu cầu tôi lên báo công an quận để họ được phép phong tỏa tài khoản.

Đến khoảng 15h cùng ngày, tôi mới làm xong tờ khai bên công an quận Hai Bà Trưng và đến 17h30 mới lấy giấy xác nhận của ngân hàng về tài khoản chuyển đến nói trên. Chiến sĩ công án nhận thụ lý vụ án này nói không làm được gì vì bọn chúng đã chuyển tiền ngay sau đó tới nhiều tài khoản khác.

Một đồng nghiệp nói "vì chị giỏi các thao tác trên điện thoại thông minh nên mới làm được theo lệnh của bọn chúng, còn mù tịt như em thì bọn nó chịu chết".

Đúng là điện thoại thông minh quá, mà người sử dụng lại “đại ngốc” nên đã mất 294 triệu chỉ sau những cú điện thoại trong vòng 3 giờ đồng hồ. Sau sự cố lần này, tôi cũng rất rất hy vọng rằng đừng ai bị lừa đảo như tôi.

Theo tri thức trực tuyến
Bạn đang đọc bài viết 'Tôi bị lừa mất 294 triệu sau một cuộc điện thoại' tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Công khai, minh bạch hệ thống dữ liệu và báo cáo tài chính của doanh nghiệp
Tại Việt Nam, kho dữ liệu còn hạn chế, việc xây dựng big data là cần thiết. Để phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hệ thống dữ liệu cũng như báo cáo tài chính của các doanh nghiệp phải được công khai, minh bạch - PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh.