Doan nhân Nguyễn Quốc Sơn: Người "bán sự bình yên" cho các doanh nghiệp Sài Gòn

04/01/2023, 14:43
báo nói -

TCDN - Một chiều cuối năm 2022, khi đang ngồi trao đổi với chúng tôi, điện thoại của doanh nhân Nguyễn Quốc Sơn liên tục rung lên. Doanh nhân tuổi Mão này cho biết, các doanh nghiệp cũ yêu cầu chuẩn bị hồ sơ để tái ký hợp đồng bảo vệ cho năm mới.

Dạy ngoại ngữ cho bảo vệ

Doanh nhân Nguyễn Quốc Sơn (sinh năm 1975, tuổi Mão) xuất thân từ ngành công an, công tác tại Phòng Cảnh sát Giao thông Tp.HCM. Sau 13 năm công tác, ông chuyển công tác khỏi ngành theo yêu cầu gia đình và dự tính kinh doanh riêng.

Tuy nhiên, sau khi lập gia đình xong thì định hướng kinh doanh lại rẽ sang một hướng mới. Năm 2005, ông tình cờ gặp lại một người bạn học hồi phổ thông và được rủ cùng đi làm nghề bảo vệ. Khi ấy, Khu du lịch Đại Nam tại Bình Dương chuẩn bị hoạt động và cần một lượng lớn nhân sự bảo vệ cho nơi đây. Thế là họ khăn gói từ Sài Gòn xuống Bình Dương huấn luyện đội ngũ bảo vệ cho đối tác này. Ngoài chuyên ngành công an, ông Sơn còn tốt nghiệp đại học Luật và Ngoại ngữ nên kiêm nhiệm việc dạy tiếng Anh cho các bảo vệ. Cứ mỗi 2 tháng huấn luyện được 100 người, nhóm 5 người của ông Sơn liên tục đào tạo các kĩ năng (nghiệp vụ bảo vệ, phòng cháy chữa cháy và tiếng Anh) cho nhân sự tại đây trong khoảng 2 năm thì tạm dừng.

Ông Sơn cho biết, lúc đó nếu quay lại công việc kinh doanh cũ thì đã lỡ mất cơ hội. Sẵn có nghiệp vụ và nhận thấy thị trường bảo vệ đang có nhu cầu cao, nhóm bạn này quyết định tiếp tục kinh doanh dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp.

Năm 2007, Công ty Bảo vệ Việt Sinh (nằm trong Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore) ra đời. Nhờ ra đời đúng thời điểm nhu cầu thị trường lớn mà đối thủ lại ít, nên Việt Sinh nhanh chóng mở rộng quy mô. Chưa tới 2 năm ngắn ngủi, quy mô nhân sự công ty từ chỗ chỉ có vài người đã tăng lên con số 300 người.

Ngoài chuyên ngành công an, ông Sơn còn tốt nghiệp đại học Luật và Ngoại ngữ nên kiêm nhiệm việc dạy tiếng Anh cho các bảo vệ.

Ngoài chuyên ngành công an, ông Sơn còn tốt nghiệp đại học Luật và Ngoại ngữ nên kiêm nhiệm việc dạy tiếng Anh cho các bảo vệ.

Đáng nói, giá dịch vụ của Việt Sinh luôn cao hơn thị trường ít nhất 30%, nhưng việc làm vẫn không hết. “Có lẽ vì nhân viên của Việt Sinh được đào tạo bài bản, không chỉ nghiệp vụ mà còn biết ngoại ngữ, nên dễ được đón nhận. Thậm chí một số công ty bảo vệ khác còn lân la mời nhân viên công ty chúng tôi về làm, với cam kết sẽ trả lương cao hơn”, ông Sơn chia sẻ.

Đang lâng lâng với khởi đầu kinh doanh thuận lợi, ông Sơn bất đầu cảm thấy có điều bất ổn. Cuối năm 2009, sau khi không thống nhất được về cách thức hoạt động và định hướng phát triển kế tiếp, Việt Sinh giải thể. Lần hợp tác đầu tiên tưởng chừng suôn sẻ nhưng sớm tan rã này khiến doanh nhân tuổi Mão - Nguyễn Quốc Sơn tiếc nuối rất nhiều. Sau thời gian dài suy nghĩ, ông Sơn cho rằng việc đó cũng bình thường. Theo ông, việc hùn hạp làm ăn ở Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro, do các thành viên thường thiếu chuyên nghiệp và ít tuân thủ cam kết chung, khi doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi.

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Gác lại sự hụt hẫng trước đó, ông Sơn quyết định lập công ty riêng. Cũng khá may mắn khi hơn 20 quản lý ở công ty cũ quyết tâm theo ông gầy dựng lại việc kinh doanh. Công ty Bảo vệ Cường Thịnh lúc đó được ông Sơn đặt tại quận Thủ Đức (nay là Thành phố Thủ Đức), phất lên nhanh chóng. Không làm dàn trải như trước, Cường Thịnh nhắm vào phân khúc trung và cao cấp, đối tác là doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu chế xuất. Việc đặt trụ sở công ty ở Thủ Đức cũng nhằm mục tiêu gần khách hàng hơn.

Với lợi thế nhân viên có nghiệp vụ nổi trội hơn mặt bằng chung thị trường, Cường Thịnh vẫn tiếp tục thu phí dịch vụ ở mức cao. Dù vậy, hầu hết doanh nghiệp đối tác đều muốn gắn bó với công ty bảo vệ này. Mỗi năm, ông Sơn nói, công ty này đều tăng phí khoảng 5-10%. Tuy nhiên, tỉ lệ tái ký hợp đồng đều ở mức 95%, riêng năm 2021 là 100%, cao nhất trong 13 năm hoạt động của Cường Thịnh.

Công ty Bảo vệ Cường Thịnh nhắm vào phân khúc trung và cao cấp, đối tác là doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu chế xuất.

Công ty Bảo vệ Cường Thịnh nhắm vào phân khúc trung và cao cấp, đối tác là doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu chế xuất.

Không chia sẻ doanh thu cụ thể, nhưng doanh nhân Nguyễn Quốc Sơn tiết lộ, Cường Thịnh hiện có khoảng 50 đối tác là doanh nghiệp. Tùy vào hoạt động kinh doanh, mỗi doanh nghiệp sẽ cần một đến vài vị trí bảo vệ. Mỗi vị trí bảo vệ (24 tiếng) do Cường Thịnh đảm nhận có giá khoảng 20-30 triệu đồng/tháng, cao hơn mức chung thị trường khoảng 30%. Trong năm 2023, ông Sơn dự tính sẽ mở rộng thị trường ra các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai – khu vực có nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất.

Đánh giá về tiềm năng thị trường trong năm tới, ông Sơn cho biết còn nhiều tiềm năng. Nhưng mức độ cạnh tranh đang khá gay gắt.

Từ năm 2008 trở về trước, hoạt động dịch vụ bảo vệ được điều chỉnh bởi Nghị định 14 vốn chưa có nhiều ràng buộc chặt chẽ. Đến năm 2008, Nghị định 52 ra đời (có hiệu lực từ tháng 4/2008) góp phần chấn chỉnh hoạt động của các công ty trong ngành. Thời điểm đó, để được cấp phép mở công ty bảo vệ, chủ doanh nghiệp phải tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành Luật hoặc Kinh tế. Ngoài ra còn phải có 2 tỷ gửi ngân hàng, nhân sự phải tốt nghiệp bậc phổ thông trung học trở lên. Theo ông Sơn, thời điểm này là cơ hội lớn cho các công ty bảo vệ có nghiệp vụ và đầu tư bài bản.

Tuy nhiên, đến năm 2016 thì Nghị định 96 ra đời, mở đầu cho làn sóng tự do cạnh tranh, khi nhiều rào cản được dỡ bỏ. Có hiệu lực vào tháng 7/2016, Nghị định 96 chỉ yêu cầu chủ doanh nghiệp tốt nghiệp hệ cao đẳng ở bất cứ ngành nào, dù không liên quan đến nghiệp vụ an toàn. Thay vì phải gởi tiền vào ngân hàng, doanh nghiệp chỉ phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, nhân sự cũng chỉ cần tốt nghiệp bậc trung học cơ sở. Các quy định thành lập được nới lỏng khiến số doanh nghiệp mới mọc lên như nấm sau mưa, thị trường cũng bị chia năm xẻ bảy.

Về góc độ doanh nghiệp, doanh nhân Nguyễn Quốc Sơn cho rằng mở rộng cơ hội cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành là tín hiệu tích cực. Dù vậy, do dễ lập công ty nên thị trường cũng xuất hiện nhiều dấu hiệu xấu xí. Phổ biến nhất là tình trạng nhiều công ty bảo vệ “bỏ của chạy lấy người” khi xảy ra sự cố tại công ty đối tác, chủ yếu là mất trộm tài sản. Ngoài ra, không ít công ty bảo vệ trả lương tháng trước vào ngày 15 tháng sau. Và bằng nhiều “chiêu trò”, họ khiến nhân viên chán nản bỏ việc, phần lương nửa tháng sau nghiễm nhiên chảy vào túi họ. Chẳng hạn, nhân viên rất dễ bị trừ lương bằng các quy định ngặt nghèo, phải đóng một số phí không rõ ràng, hoặc bị chuyển công tác đi xa nơi ở…

Doanh nhân Nguyễn Quốc Sơn cho rằng, do dễ lập công ty nên thị trường cũng xuất hiện nhiều dấu hiệu xấu xí.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Sơn cho rằng, do dễ lập công ty nên thị trường cũng xuất hiện nhiều dấu hiệu xấu xí.

Tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” này khiến các công ty bảo vệ đầu tư bài bản như Cường Thịnh bị ảnh hưởng không ít. Dễ thấy nhất là khó tuyển nhân viên mới. Giai đoạn mới ra đời, ông Sơn nhanh chóng đưa quy mô nhân sự lên con số 300 sau hai năm. Nhưng sau 13 năm ra hoạt động riêng, đến nay, quy mô nhân sự của Cường Thịnh chỉ ở mức hơn 150 người.

Doanh nhân sinh năm 1975 bộc bạch, hằng năm, Cường Thịnh đều dùng hết số phí tăng thêm trong hợp đồng với doanh nghiệp, để tăng lương cho nhân viên. Dù vậy vẫn rất khó tuyển thêm nhân viên mới. “Thậm chí công nhân dù thất nghiệp cũng không muốn làm bảo vệ, họ cho rằng nghề bảo vệ có vẻ thấp kém”, ông Sơn thở dài.

Năm 1995, Công ty Bảo vệ Long Hải và Công ty Yuki Sepre 24 ra đời, chính thức khai mở cho ngành dịch vụ bảo vệ ở Việt Nam. Cả hai công ty này đều có thế mạnh riêng và duy trì cho đến nay. Bảo vệ Long Hải do Thiếu tướng Phan Văn Xoàn thành lập, ông vốn là cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn Yuki Sepre 24 là liên doanh Việt – Nhật với lực lượng nhân sự hùng hậu do được hậu thuẫn bởi nguồn tài chính dồi dào. Đến nay, theo doanh nhân Nguyễn Quốc Sơn, cả nước có đến hàng ngàn công ty bảo vệ, do các quy định thành lập công ty đã được nới lỏng.

Nguyễn Dương
Bạn đang đọc bài viết Doan nhân Nguyễn Quốc Sơn: Người "bán sự bình yên" cho các doanh nghiệp Sài Gòn tại chuyên mục DOANH NHÂN của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thủ tướng: Yêu cầu doanh nghiệp thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động trong dịp tết
Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kịp thời tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật và các thỏa thuận, nội quy, quy chế của doanh nghiệp trong dịp tết.