Ngân sách Nga thâm hụt 34 tỷ USD vì nguồn thu từ dầu giảm
TCDN - Nguồn thu từ dầu khí giảm khiến ngân sách Nga tiếp tục thâm hụt trong tháng 2, nâng tổng mức thâm hụt hai tháng lên 34 tỷ USD.
Mức thâm hụt 34 tỷ USD của ngân sách Nga tăng so với 25 tỷ USD hồi tháng 1, theo thông tin từ Bộ Tài chính Nga. Chỉ trong hai tháng, phần thâm hụt ngân sách Nga đã tiến gần mục tiêu cả năm của chính phủ là 39 tỷ USD – tương đương 2% GDP dự kiến.
Một phần nguyên nhân là nguồn thu từ dầu khí giảm 46% trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Vài tháng gần đây, các nước G7 đã áp trần giá bán lên dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga. Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu phần lớn dầu Nga. Điện Kremlin cũng đã dừng cấp phần lớn khí đốt sang châu Âu từ nửa cuối năm ngoái.
"Số liệu tháng 2 cho thấy tài chính công đang chịu sức ép", Liam Peach – nhà kinh tế học tại Capital Economics nhận xét với WSJ.
Trong năm đầu chiến sự, khả năng chống chịu của kinh tế Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây tốt hơn dự kiến. Giá dầu khí tăng cao năm ngoái giúp họ đảm bảo thu ngân sách. GDP của Nga cũng chỉ giảm 2,1% năm ngoái, theo số liệu chính thức. Dự báo ban đầu của giới phân tích là giảm tới 10-15%.
Song các nhà kinh tế học cảnh báo tác động sẽ tăng dần, với các lệnh trừng phạt mới nhắm vào nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên của Nga.
Dù dầu Nga đã có nhiều khách hàng mới, như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, giá dầu gần đây giảm cũng khiến nguồn thu của họ ảnh hưởng. Bộ Tài chính Nga cho biết giá dầu Urals của nước này giao dịch dưới 50 USD một thùng trong tháng 2. Mức này thấp hơn khá nhiều so với giá dầu Brent là quanh 80 USD.
Để bù đắp thâm hụt ngân sách, chính phủ đã tìm nhiều cách tăng thu thuế từ xuất khẩu dầu. Các nhà phân tích cho biết trong một số thương vụ, dầu thô được bán với giá cao hơn ghi nhận. Tháng trước, chính phủ Nga thiết lập giá cố định để tính thuế với dầu Urals, thay vì lấy số liệu theo thị trường như hiện tại.
Dầu khí thường đóng góp 45% nguồn thu ngân sách Nga. Vì thế, mức giảm thu từ sản phẩm này trong hai tháng đầu năm đã khiến ngân sách hụt khoảng 25%, theo số liệu của Bộ Tài chính Nga. Trong khi đó, chiến sự tại Ukraine kéo dài cũng gây sức ép lên ngân sách.
Dù vây, Bộ Tài chính Nga khẳng định họ vẫn còn nhiều cách cải thiện ngân sách và dự báo tình hình sáng sủa hơn trong vài tháng tới. Khi có khách mua dầu mới, Nga vẫn có thể hưởng lợi nếu giá dầu thế giới lên cao.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899