Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đi làm thêm của sinh viên Trường ĐH Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh

25/04/2025, 10:30

TCDN - Quyết định làm thêm là đề tài mang tính cấp thiết có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh viên, nhà trường và xã hội. Nghiên cứu thực hiện thông qua 220 mẫu quan sát, sử dụng mô hình với 29 biến quan sát.

Tóm tắt:

Hiện nay, việc đi làm thêm trong quá trình học tập tại trường đại học ngày càng phổ biến. Quyết định làm thêm là đề tài mang tính cấp thiết có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh viên, nhà trường và xã hội. Nghiên cứu thực hiện thông qua 220 mẫu quan sát, sử dụng mô hình với 29 biến quan sát. Dựa vào độ lớn của hệ số Beta chuẩn hóa, mức độ ảnh hưởng từ mạnh nhất đến yếu nhất của các biến độc lập tới biến phụ thuộc quyết định làm thêm là: Kỹ năng- kinh nghiệm (0.285), Mối quan hệ xã hội (0.238), Kết quả học tập (0.227), Thời gian (0.225), Thu nhập (0.172), Gia đình (0.135). Nghiên cứu nhằm đề xuất các giải pháp giúp sinh viên đưa ra quyết định đi làm thêm phù hợp, nhà trường có biện pháp giúp đỡ sinh viên kịp thời trong vấn đề đi làm thêm.

1. Giới thiệu

Hiện nay, việc đi làm thêm trong quá trình học tập tại trường đại học ngày càng phổ biến và không còn xa lạ đối với sinh viên. Việc làm thêm phù hợp không chỉ giúp sinh viên có thêm thu nhập, mà trong quá trình đi làm thêm là cơ hội quý giá để sinh viên có thể áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Đúc kết những bài học kinh nghiệm và rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết. Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 25.000 nghìn sinh viên thuộc 36 ngành đào tạo khác nhau, quy mô sinh viên lớn. Tại trường Đại học Nông Lâm TP. HCM có nhiều sinh viên quan tâm đến việc đi làm thêm. Đi làm thêm khi còn ngồi trên ghế nhà trường có tác động lớn trong thực tế, hỗ trợ sinh viên phát triển và khám phá những thế mạnh của bản thân. Quan trọng hơn, trong thời buổi cạnh tranh gay gắt và đào thải, nhà tuyển dụng không chỉ đòi hỏi ở điểm số mà còn là những kinh nghiệm, kĩ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng thích ứng. Để có cái nhìn thực tế, đưa ra các giải pháp kịp thời, phù hợp cho sinh viên khi quyết định đi làm thêm và bổ sung thêm tài liệu nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu quan tâm đến lĩnh vực này. Do đó, tác giả tiến hành thực hiện nghiên cứu.

2. Cơ sở lý thuyết và tổng quan nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Lý thuyết Maslow (1943) cho rằng con người có một số nhu cầu cơ bản, được sắp xếp thứ tự từ thấp đến cao. Đối với các sinh viên, lựa chọn các công việc làm thêm cũng nhằm mục đích tìm kiếm thu nhập từ đó chi trả các sinh hoạt phí thường ngày (nhu cầu cơ bản), tích lũy một phần thu nhập nhằm đối phó với các rủi ro khi xảy ra (nhu cầu an toàn). Ngoài ra khi làm thêm, sinh viên được giao lưu, kết nối với mọi người, nên cảm thấy được thoải mái, vui vẻ (nhu cầu giao tiếp xã hội), đồng thời cố gắng làm việc đạt hiệu quả cao nhằm tìm kiếm sự ghi nhận của người khác (nhu cầu tôn trọng) và thỏa mãn, tự hài lòng với chính mình do đã vượt qua được những áp lực, thử thách (nhu cầu thể hiện bản thân) [1].

Lý thuyết về việc làm thêm của Thur man và Trah năm 1990 lý giải vì sao các đơn vị sử dụng lao động thích sử dụng các nhân lực làm bán thời gian. Các đơn vị kinh doanh có thể tiết kiệm được một khoản chi phí do mức lương làm việc bán thời gian thường thấp hơn so với làm việc toàn thời gian. Doanh nghiệp có thể chủ động mang tính chất mùa vụ hoặc theo chu kỳ kinh doanh. Về phía người lao động, họ không muốn từ bỏ công việc chính, đồng thời vẫn muốn tăng thêm thu nhập, tận dụng thời gian nhàn rồi và thử năng lực ở các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau [2].

2.2. Tổng quan nghiên cứu

Vũ Nhật Phương, Nguyễn Giang Đô (2024): Nghiên cứu các yếu tố tác động đến quyết định đi làm thêm của sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra bốn yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đi làm thêm của sinh viên, là: Kỹ năng nghề nghiệp, ảnh hưởng xã hội, lợi ích kinh tế, quan hệ xã hội. Kiểm định từ Smart-PLS 4.0 cho thấy lợi ích kinh tế và quan hệ xã hội là hai yếu tố có tác động mạnh nhất tới quyết định làm thêm của sinh viên, ảnh hưởng xã hội là yếu tố có tác động yếu nhất [3].

Vũ Thị Thu Hà (2023) Nghiên cứu trường hợp với sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Kết quả có 5 nhân tố: kinh nghiệm - kỹ năng, thu nhập, thái độ cá nhân, chuẩn chủ quan, tính cách là các nhân tố ảnh hưởng đến ý định đi làm thêm của sinh viên. Yếu tố chuẩn chủ quan có tác động mạnh nhất, yếu tố thái độ cá nhân có tác động yếu nhất. [4].

Vũ Xuân Tường và cộng sự (2022): Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định làm thêm của sinh viên Trường Đại học Văn Lang. Kết quả nghiên cứu chỉ ra bốn yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đi làm thêm của sinh viên, là: kinh tế, thời gian, quan hệ kiến thức, mối quan hệ, với 17 biến quan sát. Trong đó, yếu tố quan hệ kiến thức và kinh tế là hai yếu tố tác động mạnh nhất đến quyết định đi làm thêm của sinh viên. [5].

Teguh Hidayatullah và Rahmawati Prihastuty (2023): Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến cân bằng cuộc sống với công việc của sinh viên làm thêm tại Đại học bang Semarang. Nghiên cứu chỉ ra có ba yếu tố ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của sinh viên bán thời gian là: điều kiện làm việc nội bộ, điều kiện làm việc bên ngoài, và điều kiện bên trong của mỗi cá nhân[6].

Aprezo Pardodi Maba (2022): So sánh mức độ kiệt sức dựa trên giới tính và công việc bán thời gian của sinh viên đại học. Nghiên cứu khám phá nguyên nhân gây kiệt sức ở sinh viên đại học và cao đẳng, nhấn mạnh vào sự chênh lệch giới tính và tình trạng việc làm bán thời gian. Có sự tham gia của các sinh viên đại học đến từ Lampung Indonesia, đã cho thấy giới tính đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ ảnh hưởng của tình trạng kiệt sức đến sinh viên. Kết quả nghiên cứu chỉ ra cả giới tính và việc làm bán thời gian đều ảnh hưởng đến mức độ kiệt sức, yếu tố việc làm bán thời gian có tác động mạnh hơn [7].

3. Mô hình nghiên cứu và giả thuyết, thang đo nghiên cứu

z6541208145200_dc3fc586a62ecb580577bba946a4d262

4. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp, thứ cấp và phương pháp phân tích số liệu. Dữ liệu sơ cấp được tác giả tìm hiểu thông qua các bài nghiên cứu trong nước và ngoài nước, các bài báo đăng trên tạp chí khoa học.

Tác giả thu thập dữ liệu thứ cấp thông qua khảo sát 220 sinh viên trường Đại Học Nông Lâm Thành Phố Hồ Chí Minh và thực hiện phân tích độ tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA), tương quan Pearson, phân tích hồi quy tuyến tính, thông qua phần mềm SPSS 20. 5. Kết quả nghiên cứu

5.1. Kiểm tra độ tin cậy của thang đo

Theo Nunnally (1978), một thang đo tốt nên có độ tin cậy Cronbach’s Alpha từ 0.7 trở lên. Hair và cộng sự (2009) cũng cho rằng, một thang đo đảm bảo tính đơn hướng và đạt độ tin cậy nên đạt ngưỡng Cronbach’s Alpha từ 0.7 trở lên. Với tính chất là một nghiên cứu khám phá sơ bộ, ngưỡng Cronbach’s Alpha là 0.6 có thể chấp nhận được [8].

z6541208145347_04cda347811b50c15b148c99503a2915

Xét theo tiêu chuẩn Nunnally, Hair và cộng sự tất cả các thang đo đều đạt yêu cầu, không có biến quan sát nào bị loại. Tất cả thang đo sẽ được đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA [8].

5.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA

Sau khi kiểm tra độ tin cậy, tác giả tiến hành phân tích nhân tố khám phá EFA để kiểm định giá trị thang đo. Tiêu chí kiểm định trong phân tích nhân tố khám phá EFA: Hệ số KMO (Kaiser-Meyer-Olkin) phải đạt giá trị 0.5 trở lên (0.5 ≤ KMO ≤ 1). Kiểm định Bartlett (Bartlett’s test of sphericity) có ý nghĩa thống kê Sig (sig Bartlett’s Test) < 0.05. Trị số Eigenvalue ≥ 1. Tổng phương sai trích (Total Variance Explained) ≥ 50.

z6541208145343_68d8492063ef05b33a3d5c15ee35a7c1

Hệ số KMO = 0.804 thoả mãn điều kiện 0.5 ≤ KMO ≤ 1 dữ liệu phân tích nhân tố khám phá là thích hợp. Kiểm định Bartlett với mức ý nghĩa thống kê là 0.000 (Sig Bartlett’s Test < 0.05), tức là các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể. Do đó, phân tích nhân tố khám phá là phù hợp để kiểm định thang đo.

Sau 4 lần chạy EFA có 3 biến quan sát TN5, MQHXH4 và TG4 không đảm bảo giá trị phân biệt do có hệ số tải lớn hơn 0,5 và chênh lệch hệ số tải nhân tố bé hơn 0,3. Tổng phương sai trích (Total Variance Explained) = 63.501% > 50%. Điều này có nghĩa mô hình EFA là phù hợp. Kết quả cuối cùng thang đo chính thức gồm 21 biến quan sát được trích vào 6 nhân tố để từ đó tính trung bình của từng thang đo thực hiện phân tích tương quan và hồi quy.

5.3. Phân tích hồi quy

z6541208145348_a39c021e1772821dc3d2ac1fc8201b2d

R2 hiệu chỉnh bằng 0.630 cho biết 63% sự biến thiên của biến phụ thuộc Quyết định làm thêm của sinh viên được giải thích bởi các biến độc lập Mối quan hệ xã hội, Thời gian, Thu nhập, Kỹ năng- kinh nghiệm, Gia đình và Kết quả học tập. Ngoài ra, hệ số Durbin – Watson (1 < 1.849 < 3), cho thấy mô hình phù hợp dữ liệu thu thập.

z6541208227635_795ebeb0622395c8f849c8553d65e81c

Giá trị Sig của 6 biến độc lập MQHXH, TG, TN, KNKN, GĐ, KQHT nhỏ hơn 0.05, mô hình này đạt ý nghĩa thống kê. Ngoài ra, tất cả các biến độc lập đều có giá trị VIF < 2, khẳng định rằng mô hình không xảy ra hiện tượng đa cộng biến. Vì vậy, các giả thuyết nghiên cứu H1, H2, H3, H4, H5, H6 được xây dựng trong nghiên cứu chính thức được chấp nhận.

Mô hình hồi quy chuẩn hóa về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đi làm thêm của sinh viên Trường Đại Học Nông Lâm TP. HCM được xác định như sau:

QĐLT = 0.238*MQHXH + 0.225*TG + 0.172*TN + 0.285*KNKN + 0.135*GĐ + 0.227*KQHT

Hệ số Beta của biến độc lập: Mối quan hệ xã hội, Thời gian, Thu nhập, Kỹ năng- kinh nghiệm, Gia đình và Kết quả học tập có hệ số dương, điều này có nghĩa các yếu tố trên tác động thuận chiều đến quyết định đi làm thêm (QĐLT). Tuy nhiên, mức độ tác động của từng nhân tố này lên quyết định đi làm thêm sẽ khác nhau. Mức độ ảnh hưởng từ mạnh nhất tới yếu nhất của các biến độc lập tới biến phụ thuộc QĐLT là: Kỹ năng- kinh nghiệm (0.285), Mối quan hệ xã hội (0.238), Kết quả học tập (0.227), Thời gian (0.225), Thu nhập (0.172), Gia đình (0.135).

6. Kết luận

Nghiên cứu đã đạt được mục tiêu nghiên cứu là phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đi làm thêm của sinh viên Trường Đại Học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy Kỹ năng- kinh nghiệm, Mối quan hệ xã hội, Kết quả học tập, Thời gian, Thu nhập, Gia đình có tác động đến quyết định đi làm thêm của sinh viên. Chính vì thế, một số hàm ý quản trị được đúc kết từ kết quả nghiên cứu như sau:

Thứ nhất, yếu tố “Kỹ năng- kinh nghiệm” ảnh hưởng mạnh nhất đến quyết định làm thêm với β =0.285. Để đưa ra quyết định đi làm thêm phù hợp cho bản thân, cần xác định rõ những điểm yếu và kỹ năng nào bản thân cần cải thiện. Từ đó, quyết định lựa chọn công việc phù hợp và đáp ứng được mục tiêu của bản thân.

Thứ 2, yếu tố “Mối quan hệ xã hội” với β =0.238. Tạo dựng mối quan hệ tốt trong xã hội là nền tảng và có tác động tích cực đến cuộc sống và công việc trong tương lai. Sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã ý thức được việc phát triển các mối quan hệ ngoài xã hội thông qua các công việc làm thêm. Thứ 3, yếu tố “Kết quả học tập” với β = 0.227. Sinh viên cần xác định việc đi làm thêm chỉ mang tính tạm thời còn việc học là việc lâu dài và có ảnh hưởng lớn đến tương lai. Đặt ra kế hoạch cụ thể trong học tập và phấn đấu đạt được mục tiêu. Trong kì học bao nhiêu tín chỉ là phù hợp với khả năng của bản thân, vì khi đăng ký học quá nhiều thì không thể đi làm thêm còn học quá ít thì sẽ chậm tiến độ ra trường.

Thứ 4, yếu tố “Thời gian” với β =0.225. Sinh viên nên sắp xếp thời gian biểu một cách hiệu quả để khi đi làm thêm không gây ảnh hưởng đến thời gian lên lớp. Sinh viên cần cân bằng thời gian học, thời gian đi làm và thời gian nghỉ ngơi để đảm bảo sức khoẻ của bản thân.

Thứ 5, yếu tố “Thu nhập” với β =0.172. Thu nhập giúp sinh viên không phụ thuộc tài chính quá nhiều vào gia đình. Tuy nhiên, sinh viên còn một công việc khác là công việc học do vậy sinh viên không thể dành toàn thời gian để kiếm tiền và có thu nhập cao. Bản thân mỗi sinh viên phụ giúp gia đình là tốt, nhưng cũng cần sự hỗ trợ từ gia đình trong quá trình học tập.

Thứ 6, yếu tố “Gia đình” có mức ảnh hưởng yếu nhất đến quyết định đi làm thêm với β = 0.135. Sinh viên sẽ được rèn luyện tính độc lập nhiều hơn khi phải xa bố mẹ, gia đình nên khuyến khích và hỗ trợ các bạn sinh viên đi làm thêm để học hỏi kinh nghiệm thực tế, rèn luyện tính tự tập. Sinh viên không nên giấu người nhà đi làm thêm vì sẽ dẫn đến áp lực tâm lý, ngược lại nên chia sẻ vì gia đình luôn là người bạn đồng hành, chỗ dựa tinh thần vững chắc, đưa ra các lời khuyên hữu ích cho các bạn sinh viên.

Tài liệu tham khảo.

[1]. Maslow, A. H., 1943. A theory of human motivation. Psychological Review, 50(4): 370–396.

[2]. Curtis, S., & Shani, N., 2002. The efect of taking paid employment during term-time on students’ academic studies. Journal of further and higher education, 26(2): 129-138.

[3]. Vũ Nhật Phương và Nguyễn Giang Đô, 2024. Nghiên cứu các yếu tố tác động đến quyết định đi làm thêm của sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành. Tạp chí Khoa học & Công nghệ, Vol 7 No 1: 104-113.

[4]. Vũ Thị Thu Hà, 2023. Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định làm thêm của sinh viên: Nghiên cứu trường hợp cụ thể với sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, tập 59- số 1 (02/2023): 160-166.

[5]. Vũ Xuân Tường và cộng sự, 2022. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định làm thêm của sinh viên Trường đại học Văn Lang. Tạp chí Phát triển & Hội nhập, 62 (72): 130-136.

[6]. Pratiwi, D. P., & Silvianita, A., 2020. Analisis Faktor-Faktor Work-Life Balance pada Pegawai PT. Industri Telekomunikasi Indonesia (Persero) Bandung. Performance: Jurnal Bisnis & Akuntansi, 10(2): 123–131.

[7]. Maba. A. P., 2022 “Comparison of Burnout Based on Gender and Part-time Work Among Higher Education Students”. The International Journal of Counseling and Education, 7(4): 171-175.

[8]. Hall, R., 2010. The work–study relationship: experiences of fulltime universitystudents undertaking partatime employment. Journal of Education and Work, 23(5): 439-449.

ThS Trần Minh Quốc;ThS Nguyễn Thị Ái Tiên; Lê Thị Thúy Ngân; TS Trần Đình Lý

Trường ĐH Nông Lâm TP HCM

Tạp chí in số tháng 4/2025

Bạn đang đọc bài viết Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đi làm thêm của sinh viên Trường ĐH Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tp. Hồ Chí Minh quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân
Thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có hoàn cảnh khó khăn; Bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có hoàn cảnh khó khăn; thân nhân hưởng trợ cấp tuất hai liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn... sẽ được hưởng mức trợ cấp thường xuyên hằng tháng bằng 1,5 lần mức chuẩn.
Nâng cao mức độ tuân thủ của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan tại Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh
Bài viết phân tích thực trạng triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan tại Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh và đưa ra một số khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất một số giải pháp nâng cao mức độ tuân thủ của doanh nghiệp .

x