Siêu thị Thành Đô thừa nhận bán hàng không rõ tem, nguồn gốc
TCDN - Đại diện siêu thị Thành Đô cho biết các sản phẩm bày bán trong siêu thị không có tem nhãn tiếng Việt, nguồn gốc do Thành Đô nhập từ đơn vị khác, chưa kiểm soát tốt.
Liên quan đến bài bài viết “Siêu thị Thành Đô bán hàng không xuất VAT, không rõ xuất xứ”, Tài chính Doanh nghiệp đã phản ánh trước đó, mới đây đại diện siêu thị Thành Đô, bà Nguyễn Thị Thanh Hà phụ trách thương hiệu đã có buổi làm việc với tòa soạn.
Thành Đô chỉ cho mượn tên, không kiểm soát chất lượng sản phẩm
Theo đó, bà Hà giải thích về vấn đề nhân viên không xuất hóa đơn trong bài báo là có sự nhầm lẫn. “Ngay sau khi khách hàng có yêu cầu xuất hóa đơn, nhân viên thu ngân đã ghi lại thông tin và báo kế toán xuất. Quy trình xuất hóa đơn sẽ do kế toán tổng xuất chứ nhân viên thu ngân không trực tiếp xuất được cho khách” – bà Hà cho biết.
Sau đó bà Hà cung cấp hóa đơn đã xuất theo nội dung PV phản ánh. Tuy nhiên về việc tại sao hóa đơn đã xuất, khách hàng làm theo yêu cầu đăng nhập hóa đơn điện tử không kiểm tra được, bà Hà giải thích “có thể là do lỗi từ phần mềm kế toán, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại” – bà Hà phân trần.
Đại điện Thành Đô cho biết đơn vị này chỉ có 4 chuỗi cửa hàng chính còn lại đều cho mượn thương hiệu không có giấy tờ, những đơn vị này tự chịu trách nhiệm về nguồn gốc, tem nhãn sản phẩm
Thứ hai, liên quan đến việc hàng loạt sản phẩm tiêu dùng như bia, sữa, trang sức, đồng hồ... không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại địa chỉ Thành Đô 25 Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội vị đại điện Thành Đô cho hay siêu thị này không thuộc quản lý của Thành Đô: “Đây là cửa hàng Thành Đô cho “mượn” tên để kinh doanh chứ không phải chuỗi hệ thống chính của Thành Đô nên họ kinh doanh mặt hàng gì Thành Đô không biết và không quản lý?” – vị đại diện nói.
Trước câu hỏi Thanh Đô cho “mượn” tên thương hiệu sử dụng có hợp đồng chuyển nhượng hay điều khoản sử dụng kinh doanh gì không? Bà Hà thông tin Thành Đô chỉ cho mượn “miệng” không có giấy tờ gì cả: “Cái này (siêu thị Thành Đô 25 Quan Nhân – PV), toàn người quen, người nhà của giám đốc mượn thương hiệu để làm nên chúng tôi cũng tạo điều kiện, không yêu cầu chuyển nhượng hợp đồng điều khoản kinh doanh gì cả...”.
Tiếp đó bà Hà có đưa ra giấy phép kinh doanh cửa hàng này được cấp vào tháng 12/2018 có tên hộ kinh doanh là: Cửa hàng Lê Duy, ngành nghề bán hàng tạp hóa, đồ gia dụng, thức ăn chín với số vốn kinh doanh chỉ có 68 triệu đồng.
Tuy nhiên theo PV đã phản ánh trước đó, cửa hàng này bán hàng nghìn đồ khác nhau nhưng lại mang thương hiệu Thành Đô. Phải chăng Thành Đô đã quá dễ dãi khi cho mượn “miệng” thương hiệu để sử dụng mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm và nguồn hàng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có đang bị “lừa” khi yên tâm mua đồ tại siêu thị lớn Thành Đô nhưng chỉ là các mác, chất lượng không rõ ràng, nguồn gốc không kiểm soát?.
Khi được hỏi về việc chuyển nhượng “miệng” này đối với các hệ thống khác, bà Hà cho biết: “Thực chất hiện tại Thành Đô chỉ có 4 cửa hàng chính, còn tất cả các hệ thống còn lại đều cho mượn “miệng”, người điều hành đều là những người thân quen của giám đốc...”.
Phải chăng Thành Đô đã lừa người tiêu dùng trong một thời gian dài?.
Mỹ phẩm, đồ chơi, đồ gia dụng do bên khác cung cấp, Thành Đô không kiểm soát chất lượng, nguồn gốc
Giải thích về phản ánh các gian hàng Thành Đô tại 308 Hồ Tùng Mậu, Nam Từ Liêm cũng tồn tại tình trạng hàng hóa không dán tem, nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ đến 80% như Thành Đô tại 25 Quan Nhân, chị Hà đại diện cho biết: Các sản phẩm mỹ phẩm, trang sức tầng 1 Thành Đô cho thuê mặt bằng nên đơn vị thuê sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng.
Còn các mặt hàng gia dụng, đồ chơi tại tầng 2 đều là mặt hàng thuộc quản lý Thành Đô nhưng các sản phẩm này Thành Đô nhập lại từ một đơn vị trung gian, không nhập khẩu trực tiếp.
Trên 80% đồ chơi, đồ gia dụng tại Thành Đô 306 Hồ Tùng Mậu đều không in tem nhãn, nguồn gốc theo quy định
“Nhưng đơn vị thuê mặt bằng Thành Đô phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Về đơn vị cung cấp đồ chơi chúng tôi nhập lại của công ty khác, họ đều có CO, CQ (tờ khai nhập khẩu, giấy chứng nhận hợp quy bắt buộc khi nhập khẩu hàng hóa – PV). Việc thiếu tem tiếng Việt do nhân viên “quên”...” – bà Hà tiếp tục giải thích về hàng loạt sai phạm tại Thành Đô.
Sau đó, bà Hà cung cấp tiếp giấy phép kinh doanh hộ thuê mặt bằng và một số giấy tờ đơn vị cung cấp đồ chơi trẻ em thuộc công ty TNHH XNK MTV Anh Vũ, địa chỉ tại 142 Đường Bến Bắc, P.Tam Thanh, TP. Lạng Sơn, T. Lạng Sơn.
Tuy nhiên về loạt hàng gia dụng trong bài không thấy bà Hà nhắc về giấy tờ nguồn gốc, xuất xứ từ đâu?.
Đặc biệt trong điều khoản hợp đồng giữa công ty Anh Vũ và Thành Đô tại khoản 2.1 Điều 2 trong hợp đồng mua bán hàng hóa về kiểm soát việc nhận hàng, tem nhãn, hạn sử dụng hàng hóa giữa 2 bên nhưng trên thực tế khảo sát từ PV, điều khoản này chỉ mang tính chất có lệ. Vì thực tế như đã phản ánh đến trên 80% hàng hóa tại đây ko có tem nhãn tiếng Việt theo quy định.
Bên cạnh đó trên website chính thức http://thanhdomart.vn cũng bán hàng nghìn sản phẩm nhưng trang web chưa đăng ký thống báo thương mại điện tử từ Bộ công thương?.
Trao đổi về vấn đề này bà Hà thừa nhận những vi phạm tại Thành Đô và cho biết: “Chúng tôi ghi nhận các thông tin phản ánh trong bài báo và sẽ tiến hành rà soát, đánh giá lại những vấn đề trên.
Với các cơ sở cho mượn thương hiệu, thuê mặt bằng bên Thành Đô sẽ lưu ý về việc sử dụng thương hiệu nhưng hàng hóa kém chất lượng. Về việc các sản phẩm đồ chơi trong siêu thị, chúng tôi cũng làm việc lại với đơn vị cung cấp và kiểm soát chặt chẽ hơn mọi khâu...”.
Trước đó như đã thông tin về việc kinh doanh chuỗi siêu thị Thành Đô có nhiều hoạt động sai phạm như: bán hàng không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, bán hàng không có tem nhãn phụ tiếng Việt, thiếu nguồn gốc xuất xứ...
Để làm rõ hơn hành vi vi phạm trên, PV Tài chính doanh nghiệp sẽ tiếp tục liên hệ các cơ quan chức năng liên quan để phản ánh thông tin tới bạn đọc.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899