Tổng thống Joe Biden: Tăng thuế không gây hại cho kinh tế
TCDN - Tổng thống Joe Biden đã khẳng định việc ông tăng thuế sẽ không gây hại cho nền kinh tế hay buộc doanh nghiệp dịch chuyển ra nước ngoài.
Số liệu thống kê của Viện Chính sách thuế và kinh tế (ITEP) chỉ ra rằng tối thiểu 55 doanh nghiệp đại chúng của Mỹ không trả một đồng thuế thu nhập liên bang nào trong năm 2020, mặc dù tổng lợi nhuận lên tới 40,5 tỷ USD. Nhóm đó bao gồm cả những cái tên lớn trong nhóm Fortune 500 và S&P 500, thuộc đủ loại ngành nghề như Nike, Salesforce, FedEx và Archer Daniels Midland.
ITEP xác định 26 trong số 55 doanh nghiệp này không đóng thuế thu nhập liên bang trong ba năm liên tiếp mặc dù có lãi, với tổng lợi nhuận trong ba năm lên tới 77 tỷ USD.
Đương kim Tổng thống Joe Biden tuyên bố đã đến lúc các tập đoàn đó thực hiện nghĩa vụ thuế với đất nước.
Với câu hỏi liệu kế hoạch tăng thuế suất doanh nghiệp lũy tiến cao nhất từ 21% lên 28% có khiến các tập đoàn rời bỏ nước Mỹ hay không, ông Biden nói: "Không hề, không có bằng chứng nào".
Hồi tháng trước, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) đã gọi kế hoạch tăng thuế suất của Washington là "sai lầm nguy hiểm" và cảnh báo rằng đề xuất này sẽ "làm chậm tốc độ phục hồi của kinh tế và khiến nước Mỹ sa sút hơn trên toàn cầu".
Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rất ủng hộ ý tưởng các nước giàu sử dụng thuế để giảm bớt tình trạng bất bình đẳng mà đại dịch COVID-19 phơi bày. Các hình thức thuế mà IMF lưu tâm gồm thuế thu nhập lũy tiến, thuế thừa kế, thuế bất động sản, thuế đánh vào lợi nhuận "cao quá mức" của doanh nghiệp.
Ông Biden nhấn mạnh rằng các nước khác đang đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng và Mỹ cũng cần làm theo để tăng khả năng cạnh tranh.
"Tôi sẽ dốc hết sức để thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng tại Mỹ để chúng ta có thể ganh đua cùng phần còn lại của thế giới. Chính phủ khắp nơi đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chúng ta cũng sẽ làm như vậy trên đất Mỹ", Reuters dẫn lời ông.
Biden cũng bác bỏ những lời chỉ trích của Đảng Cộng hòa rằng đề xuất 2.000 tỷ USD của ông chứa đầy những hạng mục không liên quan đến cơ sở hạ tầng. Theo ông Biden, nước sạch, trường học và đường sắt cao tốc cũng được xem là hạ tầng, bên cạnh các công trình truyền thống như cầu đường, xa lộ.
Hôm 4/4, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm xác nhận ông Biden muốn hợp tác cùng Đảng Cộng hòa trong nỗ lực lập pháp mới, nhưng nếu không đạt được sự đồng thuận thì ông sẵn lòng ủng hộ việc sử dụng quy trình điều chỉnh ngân sách để giúp Đảng Dân chủ tự thông qua dự luật ở Thượng viện.
Tuần trước, ông Mitch McConnell - Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, cho rằng kế hoạch của ông Biden là rất táo bạo nhưng nó sẽ tăng thuế và khiến khối nợ công của Mỹ phình to. Ông McConnell khẳng định sẽ quyết chống lại đề xuất mới của ông Biden đến cùng.
Cựu Tổng thống Donald Trump, cùng với các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, đã giảm thuế suất doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% vào năm 2017. Trong nhiệm kỳ duy nhất của mình, ông Trump đã nhiều lần hứa hẹn sẽ sửa chữa và xây mới hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ của Mỹ nhưng chưa bao giờ thực hiện.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết ông Biden sẵn sàng thảo luận cùng lưỡng đảng Mỹ về nguồn ngân sách cho đề xuất đầu tư 2.000 tỷ USD.
Sau đó, các phóng viên đã hỏi liệu chính phủ có từng phân tích chi phí khi chỉ nâng thuế suất doanh nghiệp lên 25% - mức cao nhất mà ông Manchin sẽ chấp thuận hay không. Bà Psaki khẳng định mức 28% mà chính quyền ông Biden nhắm đến đã là thấp nhất kể từ Thế chiến II.
Đề xuất đầu tư vào cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD của Tổng thống Biden đang vấp phải sự chỉ trích từ khá nhiều nhà lập pháp lưỡng đảng, bao gồm Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Joe Manchin. Sự ủng hộ của ông Manchin đóng vai trò rất quan trọng, có thể giúp Đảng Dân chủ thông qua dự luật tại Thượng viện giữa lúc hai đảng cùng sở hữu 50 - 50 phiếu bầu.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899